Ra văn bản pháp luật sai, phải bồi thường?

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết dự thảo đang được thiết kế theo hướng tăng cường dân chủ trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Theo đó, luật mới cần quy định theo hướng xác định rõ những người bắt buộc phải lấy ý kiến gồm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các nhà khoa học. Nội dung lấy ý kiến cần tập trung vào những chính sách lớn, quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để tổ chức việc lấy ý kiến thông qua hai đầu mối chính là MTTQ Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo ông Tuyến, luật mới cần quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp thu, giải trình và phản hồi ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo VBQPPL.

Ông Tuyến cho biết tổ biên tập đang nghiên cứu quy định trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ tham mưu của cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật, kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại do văn bản trái pháp luật gây ra. Tuy nhiên, một số đại biểu dự phiên họp bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi của quy định nói trên.

Đánh giá về những tồn tại, hạn chế của quá trình thực hiện hai luật ban hành VBQPPL hiện hành, ông Tuyến nhấn mạnh đến sự cồng kềnh và nhiều tầng nấc của hệ thống pháp luật hiện hành do có nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL, với nhiều hình thức, cấp độ hiệu lực khác nhau. “Trong lĩnh vực đầu tư, số liệu thống kê năm 2008 cho thấy với 134 trang văn bản luật, có đến gần 3.500 trang văn bản hướng dẫn thi hành. Tính trung bình cứ một trang Luật Đất đai có 19,5 trang văn bản hướng dẫn thi hành; tỉ lệ này với Luật Xây dựng là 12,5 trang” - ông Tuyến dẫn chứng. Cạnh đó là tình trạng lạm dụng ban hành thông tư và thông tư chất lượng thấp do quy trình khép kín. Hiện thông tư, thông tư liên tịch đang chiếm khoảng 78% tổng số VBQPPL do cơ quan nhà nước trung ương ban hành…

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm