Tàu bị nạn ở luồng cạn, có được bảo hiểm?

Ông Nguyễn Văn Đừng kể: “Ghe của tôi xui rủi gặp nạn. Những tưởng sẽ có tiền bảo hiểm để đền bù cho các tổn thất, ai ngờ cơ quan bảo hiểm lại từ chối bồi thường. Tôi rơi vào tình thế túng quẫn…”. Phiên tòa phúc thẩm xử vụ tranh chấp trên hiện đang được TAND TP.HCM nghị án kéo dài…

Tai nạn trong mưa

Nguyên do sự cố xuất phát từ một đêm mưa to, gió lớn trong năm 2011. Tàu ông Đừng chạy đến đoạn sông Tiền thuộc huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thì bị khuất tầm nhìn nên chạy lạc vào khúc sông cạn khiến tàu quay nghiêng làm cho gần 200 tấn phân ngập chìm trong nước, thiệt hại hơn 1,5 tỉ đồng.

Sau sự cố bất ngờ, các chủ hàng tốt bụng cho ông trả nợ dần dần. “Tôi cứ đinh ninh khi tham gia bảo hiểm mình sẽ có 500 triệu đồng bồi thường cho sự cố để trả nợ. Nào ngờ công ty bảo hiểm từ chối chi trả. Tôi ngạc nhiên quá đỗi nên khởi kiện ra TAND quận 1 (TP.HCM) đòi quyền lợi” - ông Đừng trình bày.

Ngược lại, phía cơ quan bảo hiểm khẳng định ông Đừng tự cho tàu đi vào tuyến, luồng cấm, tức ông Đừng vi phạm nghiêm trọng luật lệ giao thông đường thủy. Đây là rủi ro loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nằm trong hợp đồng giữa hai bên nên bảo hiểm không phải bồi thường.

Tàu bị nạn ở luồng cạn, có được bảo hiểm? ảnh 1

Tranh cãi luồng cấm

Xử sơ thẩm, TAND quận 1 nhận định theo ý kiến của Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 15 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam), mặc dù đây là đoạn luồng cạn, chưa được công bố tuyến đường thủy nội địa nhưng đã được cơ quan chức năng lắp đặt hệ thống phao dẫn luồng, các phương tiện giao thông không được đi vào. Khi đến đoạn sông này ông Đừng không nhìn thấy phao dẫn luồng, cũng không biết đây là đoạn sông cấm phương tiện giao thông đi vào là không có cơ sở chấp nhận. Do đó, tòa bác yêu cầu khởi kiện của ông.

Tại phiên phúc thẩm vừa qua, ông Đừng nói nguyên nhân tai nạn là do ông đi vào luồng sông cạn, chưa được công bố tuyến đường thủy nội địa chứ không phải là đi vào “luồng cấm”. Luồng cấm phải là luồng đường thủy đã được cơ quan có thẩm quyền công bố bằng văn bản các đặc trưng của luồng và duy trì hệ thống báo hiệu cấm. Như vậy, đây là hai khái niệm khác nhau. Tòa án cấp sơ thẩm xử như trên là không đúng. Ông Đừng đề nghị tòa sửa án sơ thẩm, buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường cho ông.

Sau khi vào nghị án, tòa thông báo sẽ nghị án kéo dài vì vụ việc phức tạp. Ông Đừng mong muốn: “Tôi mong tòa sẽ xem xét những ý kiến của tôi, xử một cách công minh…”.

Ý kiến khác nhau

Trao đổi về vụ việc, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết mặc dù luật không quy định cụ thể “luồng cấm” là thế nào nhưng theo tinh thần chung của pháp luật, “luồng cấm” được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu chỉ dẫn, có duy trì hệ thống báo hiệu cấm. Do đó có thể thấy rằng “luồng cấm” khác với “luồng sông cạn, chưa được công bố tuyến đường thủy nội địa”. Theo nội dung vụ việc, ông Đừng chỉ đi vào luồng sông cạn, chưa được công bố tuyến đường thủy nội địa… chứ không phải đi vào “luồng cấm” nên bảo hiểm phải bồi thường.

Ngược lại, ThS Nguyễn Xuân Quang (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) khẳng định về căn bản hai khái niệm này khác nhau nhưng có điểm chung là các phương tiện giao thông không được qua lại trong tuyến này. Vì không được qua lại nhưng ông Đừng vẫn cho thuyền chạy vào là sai, ông phải tự chịu rủi ro, bảo hiểm từ chối chi trả là phù hợp.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm