Chiều 29-11, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), mã chứng khoán SAB phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Liên danh tư vấn tổ chức buổi giới thiệu đến các nhà đầu tư đợt chào bán cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco.
Sabeco đang ở phân khúc bình dân?
Trước đó, Bộ Công Thương đã công bố giá khởi điểm chào bán là 320.000 đồng/cp. Mức giá này được các nhà đầu tư cho là quá cao và có nhiều lo ngại về việc giá cổ phiếu Sabeco tăng cao rất nhanh trong thời gian qua ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương, cho biết đã lập tổ giám sát để theo dõi tình hình. Cụ thể, tổ giám sát này bao gồm đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp theo dõi tình hình giao dịch cổ phiếu của Sabeco trên thị trường.
“Bắt đầu từ hôm nay tổ giám sát sẽ bắt tay vào việc giám sát các giao dịch bất thường của cổ phiếu này. Tôi nghĩ việc giám sát này sẽ tạo nên sự ổn định cho giá trị cổ phiếu của Sabeco cũng như của thị trường” - ông Hòa chia sẻ.
Sabeco đặt mục tiêu tổng doanh thu 35.981 tỉ đồng, tăng 4,38% so kế hoạch năm 2017. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 6.008 tỉ đồng và 4.806 tỉ đồng, tăng 5% và hơn 2% so với kế hoạch năm 2017.
Một số nhà đầu tư đặt câu hỏi hiện nay sản phẩm của Sabeco chỉ mới tập trung ở phân khúc bình dân, trong khi dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số già, độ tuổi 15-64 đang giảm dần qua hằng năm tương đương với lượng người uống bia sẽ giảm. Vậy động lực nào để Sabeco tăng trưởng trong những năm tới. Sabeco có những cải thiện nào nếu có sự hỗ trợ từ đối tác ngoại hay không?
Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Sabeco, giải thích quan niệm Sabeco tập trung phân khúc bình dân là xưa cũ. Thống kê hiện nay Sabeco chiếm 40% ở phân khúc bình dân, chiếm 20% phân khúc trung và cận cao cấp. Tốc độ dân số đang già đi nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân Sabeco năm này là 4,3%, năm 2018 là 4,1%.
Hiện nay Sabeco đang chiếm 40,9% thị phần, năm tới sẽ chiếm 42%-43% thị phần phân khúc bình dân, trong khi đó phân khúc cao cấp sẽ tăng thêm vài %. Để bảo vệ người đứng đầu thị phần chúng tôi cố gắng tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, không bao giờ chủ quan. Tấn công vào đối thủ trên mọi phương diện. Sabeco là người dẫn đầu là động lực để chúng tôi tiếp tục tăng trưởng” - ông Nam nhấn mạnh.
Nhìn nhận vấn đề trên, ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco, cho rằng dân số tiêu thụ bia giảm dần nhưng trong những năm qua ngành bia được hưởng lợi. Nhất là ở khu vực nông thôn đang tăng lên đáng kể khi người tiêu dùng có thu nhập cao hơn, tiêu dùng bia an toàn đúng với xu hướng.
“Hiện nay đang trong quá trình chào bán cạnh tranh nên chúng tôi chưa biết đối tác ngoại hay nội sẽ mua được. Năm 2017 Sabeco đang trên đà tăng trưởng lớn dù đang trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Dù đối tác nội hay ngoại khi đến với Sabeco. Mong có sự hợp tác trao đổi về công nghệ quản trị,… giúp cho Sabeco ngày càng tốt hơn” - ông Hà chia sẻ.
Nhà đầu tư băn khoăn về thuế tiêu thụ đặc biệt tăng ảnh hưởng đến tăng trưởng của Sabeco.
Người Việt uống bia với giá không thật
Một số nhà đầu tư lo ngại thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ảnh hưởng đến tăng trưởng của Sabeco cũng như việc cạnh tranh sản phẩm mới với đối thủ như thế nào?
Ông Hà giải thích, theo lộ trình thuế TTĐB tăng 5% đến năm 2018 lên 65% dừng lại, Sabeco đã có kế hoạch phương án để xử lý. Tiếp tục đẩy mạnh tăng sản lượng và thị phần. Về sản phẩm Sabeco có chín sản phẩm, mỗi sản phẩm có sứ mệnh khác nhau chiếm lĩnh thị trường, tăng độ phủ hay tìm kiếm lợi nhuận... trong mỗi giai đoạn nhất định. Vấn đề này phụ thuộc vào bài toán kinh doanh của công ty theo hướng tổng thể với mục tiêu hiệu quả kinh doanh tăng lên.
Trong khi đó, ông Nam cho rằng thuế TTĐB tăng 5% bia Sài Gòn rất bị ảnh hưởng. Nhưng chúng tôi có lợi thế mà không đối thủ nào có được, đó là giá bia Sài Gòn là giá “thật”, độ dung sai giữa biên độ sản xuất và biên lợi nhuận có độ giản lớn, ví dụ chúng tôi lời 10%-15%/chai nhưng các hãng khác lời 50%-70%. Điều này cho thấy người Việt Nam đang uống bia không đúng với giá trị thật.
Một nhà đầu tư khác dẫn chứng các con số cho thấy năm 2015 tiêu thụ bia toàn cầu 188,7 tỉ lít, giảm 0,5% so với năm 2014… Mức tiêu thụ bia đầu người ở Đức năm 2015 giảm 1,3%... Với xu thế như vậy, thị trường bia Việt Nam nói chung và Sabeco nói riêng tăng trưởng dài hạn hay không?
Ông Nam nhìn nhận thị trường bia không thể tăng trưởng như tăng trưởng kinh tế. Điển hình như các nước Đông Nam Á sau một thời gian tăng trưởng rồi đi ngang, sau đó đi xuống chẳng hạn Trung Quốc. Tuy nhiên theo đánh giá của Sabeco, thị trường bia Việt Nam còn đến năm năm phát triển.
Do đó, Sabeco một mặt tăng theo điều kiện tự nhiên, một mặt lấn chiếm từ đối thủ. Hiện nay Sabeco là người dẫn đầu thị trường chiếm 40% sản lượng, tiếp theo là Heineken chiếm 28%, thứ ba là Habeco chiếm 17% và người núp bóng là Carberg chiếm 9%...
Ông Nam cho biết thị phần bia ở Việt Nam là cuộc chiến khốc liệt nhất, chúng tôi giành giật nhau thị phần từng tháng, từng quý, từng vùng. Điển hình phía Bắc bia Hà Nội chiếm 54%, Sabeco chỉ mới 21%, Sabeco cố gắng chiếm 30% trong năm sau, miền Trung Sabeco chiếm 40%, Heineken chiếm 40%, các hãng bia địa phương 14%...