Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo lần 3 đề án Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia, trong đó có đề xuất dán tem đối với mặt hàng bia để chống hàng giả, tăng thu ngân sách.
Bộ Công Thương cho biết hiện có 119 cơ sở sản xuất bia có sản lượng trung bình 20-25 triệu lít/năm/cơ sở, sản lượng năm 2016 đạt 3,78 tỉ lít bia, tổng nộp ngân sách đạt 30.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thị trường bia đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý với hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến có cả bia giả, bia lậu... Điều đó khiến ngân sách bị thất thu mỗi năm lên tới 2.000-3.000 tỉ đồng.
Do đó Bộ Công Thương cũng tính toán việc dán tem bia giúp ngân sách tăng thu hơn 2.000 tỉ đồng, giúp doanh nghiệp tiết giảm được các thay đổi mẫu mã, tem nhãn… để chống hàng lậu, hàng giả.
Theo đó, giá thành một tem bia giấy là 179 đồng, với tem được in phun trực tiếp là 145,44 đồng. Dán tem chống hàng giả có tính bảo mật cao trên từng sản phẩm bia. Khi dán tem, nguy cơ tái sử dụng nhãn bia là không thể. Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh bia sẽ thanh toán nhãn bia cho nhà cung cấp, được tính là chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết cách đây ba năm Bộ Công Thương trình lên Chính phủ đề án này nhưng đã tạm dừng lại. Dự thảo lần 3 này, hiệp hội không được lấy ý kiến đóng góp.
"Thực tế cho thấy việc nâng cao quản lý nhà nước đưa ra chủ yếu vẫn là giải pháp dán tem bia. Trong khi nâng cao năng lực quản lý nhà nước có nhiều vấn đề chứ không phải dán tem" - VBA nêu quan điểm.
Mặt khác, việc thực hiện dán tem bia sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, chưa kể các loại thuế, phí sẽ tăng trong thời gian tới. Như vậy chắc chắn khiến giá bia sẽ tăng cao, thị trường tiêu thụ giảm, đóng góp cho ngân sách cũng bị ảnh hưởng…
VBA ước tính nếu thực hiện việc dán tem như đề án đưa ra, các doanh nghiệp trong hiệp hội sẽ phải dán hơn 10 tỉ con tem, tốn gần 2.000 tỉ đồng, chưa kể chi phí máy móc, bảo dưỡng…
Sabeco từng cho biết việc dán tem khiến chi phí sẽ tăng cao, doanh nghiệp này phải bỏ ra 900 tỉ đồng cho việc dán tem.
Trước việc Bộ Công Thương nhận định đề án dán tem bia giúp thu ngân sách 2.000 tỉ đồng, đại diện VBA cho rằng chưa có điều tra chính xác mà Bộ ước tính ngân sách thu về 2.000 tỉ đồng là mâu thuẫn, không thuyết phục.
“Do đó chúng tôi sẽ kiến nghị lên Chính phủ đề án này cần xem xét nó tác động đến hoạt động sản xuất, đóng góp ngân sách… như thế nào, phải cân nhắc kỹ chứ không thể đưa ra như thế” - đại diện VBA nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất bia cũng quan ngại khi các máy dán tem bia có công suất thấp, chỉ khoảng 40.000 sản phẩm/giờ trong khi các thiết bị hiện tại đang sản xuất với công suất lên tới 120.000 sản phẩm/giờ.