Trong những ngày qua, hiện tượng cá chết hàng loạt ở hạ lưu sông Bưởi xảy ra tại nhiều xã của huyện Thạch Thành, gồm các xã: Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Vinh và Thành Mỹ với phạm vi khoảng 30 km theo dọc sông Bưởi.
Sau một đêm, từ triệu phú thành tay trắng
Theo ghi nhận của PV, hiện tượng cá chết không chỉ xảy ra ở môi trường tự nhiên mà cá nuôi có trọng lượng 3-5 kg, chủ yếu là trắm cỏ, cũng chết trong nguồn nước có dấu hiệu bị ô nhiễm và có màu xanh đục, bốc lên mùi hôi thối kinh hoàng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn nuôi cá lồng nhiều năm trên sông Bưởi chỉ biết kêu trời: “Cá chết hết rồi, nợ nần thêm chồng chất, người nông dân như chúng tôi giờ chỉ biết trông chờ vào chính quyền địa phương làm rõ nguyên nhân, yêu cầu nhà máy xả thải gây ô nhiễm môi trường chịu trách nhiệm đền bù”.
Người dân xã Thành Vinh đớn đau khi tỉnh dậy cá đã chết trắng lồng. Ảnh: HUY
Trong khi đó những người dân địa phương cho hay rạng sáng 6-5, người dân ở Thành Mỹ phát hiện ở hàng chục lồng cá của các hộ dân, cá chết trắng nổi lên mặt nước nhưng không rõ nguyên nhân. Thậm chí có con cả 10 kg sắp đến vụ thu hoạch cũng bị chết trắng.
Người dân ở nhiều xã cho biết họ rất hoang mang trước tình trạng cá chết. Trong khi đó, việc sử dụng nước sông Bưởi cho các hoạt động sinh hoạt như tắm giặt và cho trâu bò uống nước cũng không dám nữa. Đa số người dân yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, trả lại dòng sông để người dân sinh sống.
Nhiều con nặng tới 5 kg cũng bị nước thải làm chết khiến người dân thiệt hại nặng nề. Ảnh: HUY
Ông Lê Huy Dương, Chủ tịch xã Thạch Lâm, cho biết các hộ dân ở các thôn Biện, Đồi, Thống Nhất và Nghéo sử dụng nước sông chịu ảnh hưởng trực tiếp. Hiện chính quyền đã khuyến cáo người dân không được ăn cá, không dùng nước sông Bưởi để tắm rửa sinh hoạt cho đến khi chính quyền có kết quả kiểm tra cụ thể nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt.
Nhà máy mía đường thừa nhận xả thải chưa qua xử lý
Liên quan đến vụ việc này, sáng nay 7-5, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Công ty CP Mía đường Hòa Bình có trụ sở tại xã Tân Mỹ, Lạc Sơn, Hòa Bình thừa nhận đã xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi".
Một người dân xã Thành Vinh chỉ biết khóc sau khi vớt cá chết dưới lồng lên nhưng không thể bán cho ai vì cá nhiễm độc. Ảnh: HUY
Cũng theo ông Bình: "Việc xả thải bẩn diễn ra nhiều ngày liên tiếp trong khoảng nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt. Trong phần giải trình của Công ty CP Mía đường Hòa Bình với cơ quan chức năng, nhà máy này đang trong quá trình chạy thử, hệ thống xử lý nguồn nước thải chưa được hoàn thiện nên nước thải được thu gom về một số hồ chứa nhỏ trong khu vực nhà máy.
"Trong khoảng hai ngày 3 và 4-5, vì hồ chứa quá đầy nên công ty này đã xả nước thải chưa qua xử lý từ hồ chứa ra thượng nguồn sông Bưởi. Số lượng xả thải ra sông khoảng 2.000-3.000 m3 nước. Tuy nhiên con số này có thể nhiều hơn” - ông Bình khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Quyền (thứ tư từ trái sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cùng các đoàn kiểm tra của tỉnh trực tiếp kiểm tra nguyên nhân cá chết trắng hàng loạt. Ảnh: Huy
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng cho biết về nguyên nhân ban đầu khiến cá chết ở vùng hạ lưu sông bưởi là do Nhà máy mía đường Hòa Bình xả thải ra môi trường.
“Hôm nay (7-5), ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đoàn của Sở TN&MT, Nông nghiệp cùng địa phương đang trực tiếp chỉ đạo lấy các mẫu liên quan, đồng thời gửi toàn bộ kết quả đến Bộ TN&MT đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan để xảy ra vụ việc nghiêm trọng này” - ông Xứng khẳng định.