Ấy vậy mà có kẻ dám nhân danh một thế lực nào đó chà đạp lên thanh uy đó. Như chuyện một doanh nghiệp đến cửa UBND tỉnh nọ chỉ thẳng mặt lãnh đạo cấp sở quát: “Chúng mày có muốn làm nữa không thì bảo”. Thật quá quắt đến mức không thể tin nổi nhưng đó lại là một câu chuyện rất thật, thật đến mức trắng trợn và cay đắng xảy ra ở tỉnh Sơn La mà Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã công khai nói trước các tướng lĩnh tại một cuộc gặp tuần rồi.
Tất nhiên chẳng một doanh nghiệp, cá nhân bình thường nào liều lĩnh đến mức dám đến cửa công quyền mà quát nạt lếu láo như thế. Vậy thì điều gì đã gây nên sự lộng ngôn đó nếu không phải là một thế lực có quyền uy đứng ra làm điểm tựa hậu thuẫn đến mức chúng xem chính quyền nhân dân không ra gì!
Đó là “sự sỉ nhục đối với chính quyền” như ông Trương Quang Nghĩa nói. Nó chà đạp lên mọi phép tắc, quy định của luật pháp nhà nước; chà đạp thanh uy của chính quyền; đứng trên quyền lực của nhân dân một cách xấc xược.
Nhưng câu chuyện không phải dừng ở đó. Nó buộc chúng ta phải thẳng thắn chỉ ra những căn nguyên nào đã sản sinh ra sự chà đạp đến mức“vô pháp vô thiên” như thế. Bởi như tôi nói trên đây, nó không phải là biểu hiện ở phạm vi cá nhân nữa, nó là một tiếng chuông cảnh tỉnh chát chúa ở bình diện lớn hơn, báo hiệu cho những nguy hiểm nghiêm trọng đang bộc lộ ra ở một bộ phận “bị lỗi” trong cơ thể quyền lực của nước ta.
Hẳn là câu chuyện ở Sơn La mà ông Trương Quang Nghĩa dẫn chứng trên đây không nằm ở phạm vi đơn lẻ nữa khi mà ngay chính tại Đà Nẵng, người dân đã hỏi thẳng Bí thư Trương Quang Nghĩa về những mãnh lực như thế đã từng có biểu hiện “uy hiếp” đối với một số lãnh đạo của địa phương này, như kiểu của ông Vũ “nhôm”. Hẳn là ở đâu đó người ta vẫn rỉ tai cho nhau nghe chuyện một cá nhân chỉ là giám đốc công ty thôi mà đến đâu đều gây nên sự “run sợ” đến đó, đến mức được ví cỡ tầm“bộ trưởng”…
Tất nhiên làm gì có chuyện một ông doanh nghiệp mà “quyền uy thế lực” như thế được. Mà nói thẳng ra đó chính là “tình trạng” của những câu kết quyền lực ngầm, khi các mối quan hệ thân hữu mang tính dây mơ rễ má thâm nhập, chiếm lĩnh đến mức lấn át phép tắc, luật pháp.
Theo lý lẽ thông thường, sẽ không thể có một sự lộng quyền nào sản sinh ra trong các mối quan hệ nếu nó không hàm chứa yếu tố quyền lực nào trong đó. Lộng quyền càng lớn thì thế lực quyền uy “hà hơi tiếp sức” càng to, có thể là ở mức rất to. Rõ ràng ở đây quyền lực đã được sử dụng hoàn toàn sai mục đích - thay vì để phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc như bản chất vốn có thì nó lại được sử dụng để phục vụ cho các nhóm lợi ích, cho các mưu toan lũng đoạn quyền lực.
Nó cũng cho thấy sự câu kết tiền - quyền - tiền, dưới vây cánh của những thế lực ngầm đang dần đạt đến mức đỉnh điểm và chuyển sang một cấu trúc mới “quyền - tiền - quyền”. Và nếu không có một cuộc uy chấn đủ mạnh thì các nguy cơ mang lại từ “mức đỉnh điểm” này là vô cùng nguy hiểm.
Còn nhớ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại đại hội của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ diễn ra cuối năm ngoái đã từng đặt một vấn đề rất lớn, mang tính cốt lõi cho chiến lược phát triển đất nước rằng: Phải “xây dựng môi trường liêm chính. Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính. Xóa bỏ tư tưởng quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm”.
Thủ tướng nói rất đúng, rất trúng. Nhưng rõ ràng chuyện “xóa bỏ tình trạng quan hệ thân hữu” đến mức này thì không phải chỉ bắt đầu bằng việc xử lý, trừng trị một vài cá nhân đã có biểu hiện. Tình trạng này buộc chúng ta phải tiến hành một cuộc tiến công đủ sức để phá vỡ cấu trúc “quyền - tiền - quyền”, xóa bỏ các câu kết đầy nguy hiểm do nó tạo ra đối với nhà nước và xã hội.
Tất nhiên, tất cả phải được tiến hành trên nền tảng bảo vệ lấy sự thanh uy cho chính quyền nhân dân, khi đó thì dù khó khăn đến cỡ nào nhân dân cũng sẽ ủng hộ đến cùng!