Vì nhiều ý kiến cho rằng việc làm chiếc bánh khổng lồ như thế là lãng phí, tốn kém và phô trương mà không mang lại nhiều ý nghĩa.
Sự việc trở nên lùm xùm hơn khi ông Hoằng Khắc Nhu, Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, trả lời trên báo chí biện minh rằng việc làm của TP Sầm Sơn là xuất phát từ lòng thành người dân theo phong tục, tập quán của địa phương mà không nhằm mục đích gì.
Ông này còn cho rằng làm mà không ăn thì mới tốn kém. Ăn bánh dày là tăng sức khỏe của người dân lên, nhất là “thánh lộc” nữa (?!).
Dư luận càng bức xúc hơn khi đời sống của người dân Thanh Hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có năm còn xin trung ương cấp gạo cứu đói mà lại đi giải thích như thế.
Chúng tôi cho rằng có lẽ lòng thành kính của con cháu, hậu thế với các bậc vua Hùng, tiền nhân chắc chắn không phải nằm ở cái bánh mấy tấn kia mà ở sự biết ơn từ trong sâu thẳm mỗi con người. Để từ đó mỗi chúng ta thấy rằng mình có trách nhiệm trong cuộc đời này mà cùng chung sức, chung lòng xây dựng quê hương đất nước. Chứ không phải lo vinh thân, phì gia, đam mê sắc dục mà quên việc dân, việc nước.
Tất nhiên, chiếc bánh lễ vật khổng lồ kia sẽ trở nên vô nghĩa nếu mâm cơm của mỗi người dân càng lúc càng bé lại và nghèo nàn đi; khi mà đây đó còn trẻ em ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, con đường đến trường, đến với văn minh còn gập ghềnh, xa xôi; quê hương chưa thực sự giàu mạnh, vượt trội.
Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện “đua kỷ lục” lễ vật diễn ra ở nước ta. Chuyện đáng nói là đã nhiều năm qua, dư luận vốn đã rùm beng, phản ứng về việc này rồi mà chẳng hiểu sao cái bệnh phô trương, hình thức vẫn chưa được gột rửa trong não trạng của không ít quan ngài ở các địa phương. Mà đâu chỉ là ở cái bánh dày, còn là chuyện trụ sở hoành tráng, còn là đền đài, còn là xe sang…
Đấy, đề cập thế để thấy rằng câu chuyện phô trương, hình thức đâu có dễ xóa bỏ. Nghĩa là lãng phí tiền của dân, của nước một cách không cần thiết trong khi chúng ta cần tiền để đầu tư, sản sinh giá trị mang tính căn cốt, lâu dài cho địa phương, đất nước.
May mà ông chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã nhìn ra vấn đề và chỉ đạo TP Sầm Sơn dừng việc này.
Thôi thì cứ làm theo phong tục, truyền thống văn hóa của người dân và để bà con tự cảm nhận sự linh thiêng theo cách trong lòng mình.
Bớt đi những “kỷ lục phù phiếm” cũng là một cái phúc cho con cháu mai sau vậy!