TP.HCM chính thức xóa 180 dự án treo

Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến vừa có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở TN&MT xóa 180 dự án treo trên địa bàn TP. Các dự án này trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các quận, huyện từ năm 2015 đến 2018 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện.

Điểm mặt các dự án treo bị xóa bỏ

Dự án khu phức hợp Đầm Sen tại phường 3, quận 11 có quy mô hơn 5.400 m2 nằm trong quy hoạch Công viên văn hóa Đầm Sen được phê duyệt từ năm 1983. Đến nay đã hơn ba thập niên nhưng dự án vẫn chỉ nằm trên giấy và khiến hơn 400 hộ dân có nhà, đất nằm trong ranh quy hoạch bức xúc.

Theo quy hoạch, khu đất dự án này có chức năng là công trình công cộng, trung tâm sinh hoạt thiếu nhi, trung tâm thể dục thể thao đa năng, trường học đạt chuẩn quốc gia, nhà tái định cư và một phần làm nhà ở kinh doanh để kêu gọi xã hội hóa. Năm 2008, TP chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh. Bốn năm sau, TP hủy bỏ văn bản này vì chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai thực hiện. Từ tháng 10-2012, TP giao Sở Xây dựng mời gọi đầu tư và chỉ có duy nhất Công ty Cổ phần Quốc tế C&T đăng ký.

Theo UBND quận 11, cuối năm 2013, Công ty C&T đã có văn bản cam kết lộ trình, thời gian hoàn thành dự án. Đồng thời sẽ dành ra hơn 200 căn hộ để làm quỹ tái định cư cho chung cư cũ, hư hỏng, sắp sập trên địa bàn quận 11 và TP. Báo cáo của Công ty C&T cho hay tại thời điểm đó dự án này có tổng mức đầu tư là 5.106 tỉ đồng.

Năm 2015, dự án này được đưa vào kế hoạch sử dụng đất kỳ quy hoạch 2015-2018 của quận 11. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai nên đã bị hủy bỏ.

Nằm sát một bên Công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1), dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm Trống Đồng có quy mô gần 5.400 m2 đã được phê duyệt từ năm 2005. Dự án này do Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương làm chủ đầu tư.

Hơn 10 năm nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai do vướng nhiều thủ tục như hợp đồng thuê đất, xác định giá bồi thường, điều chỉnh thiết kế do vướng tuyến metro số 2…

Một dự án treo tại số 93 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hồi cuối tháng 6, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đông Dương, khẳng định dự án bị chậm tiến độ chứ không phải dừng triển khai. Lúc đó, công ty này dự kiến tháng 2-2019 sẽ khởi công dự án ngay sau khi giải quyết xong các vướng mắc… Trong quyết định của TP, dự án này đã bị hủy bỏ khỏi danh sách kế hoạch sử dụng đất hằng năm của quận 1.

Ngoài ra, trong danh sách 180 dự án bị hủy bỏ, nhiều dự án có quy mô lớn từ hàng chục hecta như dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (giai đoạn 2) ở quận 8 hơn 10 ha do Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư; dự án khu biệt thự Sanctuary Cove gần 10 ha ở phường Phú Hữu, quận 9 của Công ty Liên doanh Belwynn-Hưng Phú; dự án khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng hơn 36 ha tại phường Long Bình, quận 9 của Ban quản lý khu Công viên lịch sử-văn hóa dân tộc. Đặc biệt có cả những dự án có quy mô “khủng” lên đến hàng trăm hecta như dự án khu nhà ở gần 160 ha do Công ty Cổ phần Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư…

Công khai, minh bạch việc xóa treo

Theo báo cáo của  Sở TN&MT, 180 dự án không thực hiện trong kỳ kế hoạch ba năm 2015-2018 có tổng diện tích hơn 812 ha. Trong đó có 80 dự án thu hồi đất được HĐND TP.HCM nghị quyết thông qua với diện tích hơn 280 ha.

Báo cáo của Sở TN&MT cũng cho hay các địa phương có số lượng dự án treo được xóa nhiều như quận 10 (22 dự án), huyện Bình Chánh (17 dự án), quận 9 (15 dự án), quận Thủ Đức (13 dự án), quận 6 (12 dự án)…

Chấp thuận đề xuất xóa 180 dự án treo của Sở TN&MT, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo: Đối với 100 dự án đã được UBND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm (năm 2015-2018) của các quận, huyện nhưng đến nay không thực hiện đúng theo kế hoạch thì giao Sở TN&MT trình cụ thể, đề xuất TP giải quyết các vấn đề phát sinh sau quá trình công khai, xử lý.

Đối với 80 dự án thuộc trường hợp thu hồi đất đã được HĐND TP nghị quyết thông qua, phải rà soát thật chặt chẽ pháp lý các dự án, trình HĐND TP điều chỉnh, hủy bỏ các dự án theo thẩm quyền.

Ông Tuyến giao Sở TN&MT hướng dẫn quận, huyện tổ chức công khai, công bố danh sách 180 dự án nêu trên. Đồng thời chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục rà soát các dự án không thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án.

Lý do chậm triển khai các dự án, theo Sở TN&MT, có bốn nguyên nhân chính: Thứ nhất, dự án chưa tìm được nhà đầu tư hoặc chuyển đổi sang hình thức, mục đích sử dụng đất khác. Thứ hai là một số dự án thay đổi quy hoạch, lộ giới hẻm trên địa bàn quận trung tâm; dự án không triển khai được do thiếu vốn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Thứ ba là một số dự án vẫn chưa được ghi vốn thực hiện do ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách, trọng điểm nên không có khả năng thực hiện. Thứ tư là một số dự án do chủ đầu tư không có năng lực, thiếu vốn, kinh nghiệm triển khai. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm