TP.HCM: Chưa có phương án tối ưu thu phí chống kẹt xe

TP.HCM: Chưa có phương án tối ưu thu phí chống kẹt xe ảnh 1

Việc thu phí ôtô được kỳ vọng sẽ góp phần kéo giảm nạn kẹt xe ở TP.HCM. Ảnh: MP

Theo Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong, đơn vị được UBND TP giao nghiên cứu dự án lập hệ thống thu phí giao thông tự động đối với ôtô nhằm chống kẹt xe ở khu vực trung tâm, đến giữa tháng 3-2010 công ty sẽ báo cáo các phương án thu phí giao thông để các cơ quan chức năng có ý kiến trước khi trình UBND TP quyết định.

Đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty WSP (Anh) đề xuất ba phương án tổ chức thu phí ôtô vào khu trung tâm. Cụ thể, theo phương án một, trung tâm TP sẽ được khoanh thành một vùng rộng, các ôtô từ ngoài đi vào khu vực bị khoanh sẽ phải đóng phí. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là có ít tuyến đường để thay thế, ít khu vực thay thế để người dân lựa chọn không đi vào “vùng thu phí”; đồng thời sẽ không thu phí được một lượng lớn ôtô trong khu vực bị khoanh vùng.

Theo phương án hai, vùng thu phí được thu nhỏ hơn. Điều này sẽ giảm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng do chỉ cần lắp đặt ít số trạm thu phí nhưng có thể tạo ra các khu vực kẹt xe mới do các chủ xe né vào khu vực phải đóng phí.

Phương án cuối là hệ thống thu phí sẽ được hình thành hai vành đai, một vùng phía ngoài khu trung tâm và một vùng nhỏ hơn ở bên trong. Biện pháp này khắc phục được nhược điểm của hai phương án trên nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn do phải lắp đặt hàng loạt trạm thu phí.

Hiện TP.HCM có trên 400.000 ôtô, chiếm gần 55% tổng diện tích giao thông động và mỗi ngày có thêm trên 100 ôtô đăng ký mới. Theo nghiên cứu của Công ty WSP, vận tốc đi lại trung bình trong khu vực nội thành đã giảm từ 18,3 km/giờ (năm 2003) xuống còn 14,3 km/giờ (đầu năm 2010). Đặc biệt, những đường Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tôn Đức Thắng… có tốc độ đi lại thấp nhất, có nơi chỉ đạt 11,4 km/giờ. Trên cùng một đoạn đường, việc đi lại vào ban ngày thường chậm hơn ban đêm khoảng 20 phút.

Theo Công ty WSP, ban đầu việc thu phí sẽ gặp phản ứng từ phía người dân, như ở Stockholm (Thụy Điển) khi bắt đầu thử nghiệm vào năm 2006, chỉ có khoảng 40% người dân ủng hộ. Nhưng qua một thời gian, khi mật độ xe cộ trên các tuyến đường giảm rõ rệt, người dân Stockholm đã chuyển sang ủng hộ việc thu phí ngay trong giai đoạn thử nghiệm. Công ty WSP cũng khẳng định tổ chức thu phí chống kẹt xe ở TP.HCM sẽ giảm được kẹt xe trên các trục chính nối đến trung tâm, thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, có thêm nguồn ngân sách để phát triển giao thông...

Dự kiến ngày 9-4, Công ty Tiên Phong và WSP sẽ báo cáo toàn bộ dự án để UBND TP quyết định.

M.PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm