Vì sao Nghệ An phát triển doanh nghiệp còn chậm?

Ngày 5-8, đã diễn ra Hội nghị gặp mặt tuyên dương các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiêu biểu do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.

Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCCI) phát biểu, đặt câu hỏi: "Nghệ An có diện tích lớn nhất nước, dân số chỉ sau TP.HCM và Thanh Hóa. Người Nghệ An hiếu học, vừa rồi thống kê có 99 học sinh đạt giải quốc gia đứng hàng thứ 3 cả nước. Tại sao người Nghệ An đi ra nước ngoài như: Nga, Đông Âu,... rất thành đạt. Các doanh nhân người Nghệ An kinh doanh ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh rất thành đạt, có hiệp hội mạnh. Nguồn lực con người Nghệ An có, tài nguyên thiên nhiên có nhưng tại sao phát triển doanh nghiệp còn chậm?".

Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu.

Ông Thành cũng đề nghị thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ có những đột phá đặc biệt, cải cách mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi,"đất lành chim đậu" cho doanh nghiệp.

"Người ta nói rằng chi phí thấp nhất đem lại hiệu quả cao nhất chính là chi phí cải cách cán bộ hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Khi doanh nghiệp phát triển tạo được nguồn thu ngân sách... Doanh nghiệp cho rằng cạnh tranh trên thương trường không mệt mỏi bằng phải đối phó với các cơ quan chức năng. Thời gian, công sức và tiền bạc bỏ ra mà làm vừa lòng cơ quan chức năng mệt mỏi hơn nhiều. Nếu quay lại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An nằm ở mức khá so với cả nước, nhưng phân tích các yếu tố thành phần thì có chi phí không chính thức.

Hiện nay mức bình quân của cả nước chi phí không chính thức, nhiều khi doanh nghiệp báo lại là 66%. Ở Nghệ An chỉ số thành phần bị đánh tụt hạng có chi phí không chính thức. Cái thứ hai là sự năng động cán bộ các cấp, như đội ngũ cán bộ quan liêu, phiền hà buộc phải chi tiền thôi... Chính phủ đã giao VCCCI nghiên cứu các chi phí không chính thức và chi phí chính thức của khu vực doanh nghiệp Việt Nam, nghiên cứu cả khu vực và trên thế giới. Từ đó đưa ra giải pháp trình Chính phủ" - ông Thành cho biết.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cam kết trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là giảm các chi phí không cần thiết cho các doanh nghiệp. Mỗi tháng lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các doanh nghiệp sẽ "ngồi với nhau" một lần để nghe phản ánh và tháo gỡ các vướng mắc.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, phát biểu, chỉ đạo các sở, ban, ngành không để các quy hoạch nằm trong ngăn kéo mà phải công khai quy hoạch tại các điểm công cộng và trước UBND tỉnh Nghệ An để kêu gọi doanh nghiệp và người dân cùng vào tham gia. "Về phía cấp ủy, chính quyền, chúng tôi cam kết với các doanh nghiệp là chúng ta dần tạo ra môi trường thật sự công bằng, bình đẳng. Các doanh nghiệp cứ yên tâm mà làm, chúng ta gặp nhau chủ yếu để giải quyết các chính sách, những vấn đề  vướng mắc trong sản xuất, tháo gỡ với nhau" - ông Vinh nói.

 Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2015 đến nay, đã cấp mới cho 47 dự án đầu tư với tổng vốn 22.000 tỉ đồng. Hiện nay Nghệ An có 15.200 doanh nghiệp đăng ký, trong đó 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Tỉnh Nghệ An đang phấn đấu đến năm 2020, có 20.000 doanh nghiệp, bình quân hằng năm doanh nghiệp giải quyết việc làm cho khoảng 35.000-37.000 lao động. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020, doanh nghiệp đóng góp trên 70% thu ngân sách của tỉnh, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp chiếm ít nhất 48% vốn đầu tư toàn xã hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm