“Chúng tôi đang xin ý kiến của Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM để xem xét hình thức kỷ luật đối với chấp hành viên (CHV) Bùi Thị Thúy Phượng. Cạnh đó, chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại tác phong làm việc của toàn bộ chi cục” - bà Lê Thị Lệ Duyên, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 3, nói.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 3 cũng đã xác định CHV Phượng có một số sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện một vụ án dân sự. Từ đó Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 3 yêu cầu bà Phượng làm kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật để cấp ủy họp xem xét hình thức kỷ luật.
Giải tỏa ngăn chặn sai quy trình
Năm 2004, bà P. và hai cá nhân khác bị ông N. kiện đòi khoảng 2,4 tỉ đồng. Sau đó, bên bà P. cam kết trong 45 ngày sẽ trả đủ cả gốc lẫn lãi là 2,83 tỉ đồng cho ông N. Năm 2008, TAND quận 3 công nhận hòa giải thành.
Nhưng đến cuối năm 2014, phía bà P. vẫn chưa trả đủ nên ông N. đề nghị Chi cục THADS quận 3 kê biên căn nhà của bà P. ở quận 3 để THA. CHV Bùi Thị Thúy Phượng được phân công tổ chức THA. Do chậm trễ trả nợ nên lúc này phía bà P. phải chịu thêm một khoản lãi phát sinh và tổng số tiền bên bà P. phải trả cho ông N. là gần 3,6 tỉ đồng. Ngày 17-12-2014, ông N. đồng ý giảm 200 triệu đồng với điều kiện bà P. phải trả đủ gần 3,4 tỉ đồng trước ngày 30-12-2014. Thỏa thuận này được lập thành biên bản.
Sau đó, Chi cục THADS quận 3 tổ chức bán đấu giá căn nhà của bà P. nhưng không được nên để cho bà P. tự bán nhà trả nợ. Đến giữa tháng 10-2015, căn nhà được bán và bà P. nộp 3,4 tỉ đồng vào kho bạc để THA. Cùng ngày, Chi cục THA quận 3 giải tỏa lệnh ngăn chặn đối với căn nhà này. Tuy nhiên, lúc này ông N. cho rằng phía bà P. không thực hiện đúng thỏa thuận trả đủ gốc và lãi trước ngày 30-12-2014 nên không đồng ý giảm 200 triệu đồng tiền lãi. Ông N. yêu cầu tiếp tục ngăn chặn căn nhà. Thế là sau một ngày giải tỏa, CHV lại phải ra quyết định ngăn chặn.
Ủy ban Kiểm tra Quận ủy kết luận bà P. chưa thực hiện xong nghĩa vụ THA cùng các chi phí tổ chức thực hiện THA nhưng CHV Phượng vẫn ra quyết định giải tỏa tài sản bị kê biên là không đúng quy trình. Bà Phượng đã vi phạm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tương tự, Chi cục THADS quận 3 cũng kết luận: “CHV Phượng chưa tổ chức thu đủ tiền THA đã giải tỏa ngăn chặn tài sản, giải tỏa kê biên tài sản là vi phạm Điều 105 Luật THADS”.
Căn nhà của bà P. đã bị kê biên, giải tỏa rồi lại kê biên nhưng nay đã được bán cho người khác. Ảnh: TK
Chấp hành viên đòi “cưa đôi” 200 triệu đồng
Sau khi CHV Phượng tiếp tục có quyết định ngăn chặn sau lệnh giải tỏa thì bà P. và CHV Phượng có cuộc trao đổi với nhau. Bà P. đã ghi âm lại nội dung buổi nói chuyện này. Cụ thể, CHV Phượng nói ông N. không đồng ý giảm 200 triệu đồng tiền lãi do bà P. nộp tiền sau ngày 30-12-2014. Tuy nhiên, “tui đọc đi đọc lại biên bản, lãi suất chậm THA chín tháng (cộng với tiền gốc - NV) là ba tỉ rưỡi bảy mươi tám… Tui có trao đổi với ông N. thì ông N. nói “Bây giờ chị nói vậy là bớt 200 như tôi đã hứa. Nhưng (tiền này - NV) cho chị chứ không cho bà P. và tôi không gặp bà P. nữa…”” - lời CHV kể lại với bà P.
CHV Phượng nói tiếp với bà P.: “Đối với cái bớt 200 (200 triệu đồng - NV) này, giữa tui với chị chia đôi”. Từ đó CHV Phượng yêu cầu bà P. nộp thêm 100 triệu đồng nhưng bà P. không đồng ý và tố cáo.
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Lệ Duyên, Chi cục trưởng THA quận 3, cho biết lúc bà P. đề nghị chuộc lại tài sản, CHV Phượng có nói với ông N. giảm cho bà P. 200 triệu đồng. Ông N. đồng ý với điều kiện phải trả trước ngày 30-12-2014. Tuy nhiên, bà P. không trả được. Đến khi có người mua nhà, CHV Phượng nói chuyện với ông N. thì ông ta nói: “Tôi không đồng ý giảm nữa. Nhưng 200 triệu đồng đó tôi cho CHV, tôi không bớt cho bà P.”.
“Tuy vậy, CHV Phượng thấy do tình cảm giữa hai người thân thiết nên kể lại với bà P. Nghe vậy, bà P. đồng ý mỗi người 100 triệu đồng. Sau đó, bà P. nộp 3,4 tỉ đồng để THA và nộp thêm 100 triệu đồng cho CHV Phượng” - bà Duyên nói.
Cũng theo bà Duyên, ngay sau đó bà P. trở lại và nói tiền đó là của bà ta nên yêu cầu CHV Phượng trả lại. Theo bà Duyên, CHV Phượng có sai sót là khi thu tiền, giải tỏa ngăn chặn nhưng chưa lập biên bản giữa hai bên. Đến khi ông N. đề nghị ngăn chặn để thu đủ tiền thì CHV đề nghị bà P. đóng thêm tiền và tổ chức ngăn chặn thì bị hiểu lầm là CHV vòi vĩnh.
Cấm chấp hành viên “nhận thưởng” Quy định của ngành nghiêm cấm CHV nhận quà của đương sự dưới bất kỳ hình thức nào, dù đó là quà cảm ơn. Tuy vậy, thực tế khó phát hiện việc nhận quà này, trừ khi có tố cáo của đương sự. Khi phát hiện CHV nhận quà, việc đầu tiên là yêu cầu CHV trả lại quà rồi báo cho Cục THADS TP xem xét để có hướng xử lý. Người đứng đầu của cơ quan THADS đó cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về việc này. Chi cục trưởng Chi cục THADS một quận ở TP.HCM |