Đương sự khóa cửa, thi hành án bó tay?

Suốt ba năm qua, bà Đào Thị Năm ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai phải chạy lên chạy xuống Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Gò Vấp, TP.HCM để yêu cầu thi hành bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được giải quyết. Bà Năm cho rằng có dấu hiệu mình bị làm khó nên vụ việc mới cù cưa, kéo dài.

Ba năm không thi hành xong bản án

Theo trình bày của bà Năm, vào năm 2010, bà và ông NVC được tòa án giải quyết cho ly hôn, con chung thì mỗi người nuôi một cháu, tài sản chung hai bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, sau khi ly hôn, do cả hai không thỏa thuận được việc phân chia tài sản nên bà kiện ra tòa. Tháng 1-2013, TAND quận Gò Vấp đã xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà, tuyên ông C. được toàn quyền sở hữu căn nhà ở đường Quang Trung, quận Gò Vấp. Ngược lại, ông C. phải thanh toán cho bà hơn 500 triệu đồng ngay sau khi bản án có hiệu lực.

Sau đó, bà Năm làm đơn yêu cầu THA gửi đến Chi cục THADS quận Gò Vấp. Tháng 5-2013, cơ quan này đã ra quyết định THA theo đơn yêu cầu. Do ông C. không tự nguyện THA nên rất nhiều lần Chi cục THADS quận Gò Vấp ra thông báo cưỡng chế bằng biện pháp kê biên, xử lý tài sản của ông C. (là căn nhà nói trên). Tuy nhiên, Chi cục THADS quận Gò Vấp mới chỉ mời bà đến nơi cưỡng chế một lần nhưng hôm đó do ông C. khóa cửa đi vắng nên đoàn cưỡng chế không vào nhà được.

Cứ thế, đã ba năm qua bà Năm từ Đồng Nai lên Sài Gòn không biết bao nhiêu lần để yêu cầu chi cục này sớm giải quyết THA cho bà. “Vụ của tôi trải qua tới hai chấp hành viên (CHV), ban đầu là ông LQH, sau này là bà Lê Thị Thảo Trang. Tôi hỏi lý do dẫn đến chậm trễ thì CHV Trang nói còn phải xin ý kiến lãnh đạo. Nhiều lần tôi xin gặp lãnh đạo nhưng chi cục trưởng không chịu tiếp với lý do chưa nghe CHV báo cáo lại. Chưa kể mỗi lần tôi đến là CHV Trang yêu cầu tôi phải hỗ trợ chi phí để cưỡng chế THA. Phải chăng tôi không đồng ý hỗ trợ nên họ kéo dài vụ của tôi?” - bà Năm bức xúc.

“Do không có kinh phí cưỡng chế”

Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, CHV Lê Thị Thảo Trang, người đang giải quyết hồ sơ của bà Năm, nói: “Tôi thụ lý hồ sơ từ CHV LQH (hiện đã chuyển công tác) từ tháng 5-2015 đến nay. Tôi vẫn xác minh, đo vẽ, tác động. Đây là hồ sơ nhạy cảm, gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã đến nhà ông C. nhưng ông ấy khóa cửa nên không vào để đo đạc được. Người lớn thế nào không biết nhưng khi áp hồ sơ vào thì nhìn đứa trẻ (con ông C. và bà Năm - PV) rất tội nghiệp. Nhưng đó không phải là vấn đề lớn, tôi vẫn phải làm. Hồ sơ tôi vẫn đang làm đây, tôi trì hoãn hồ sơ thì được cái gì. Do chị Năm nói nhà không thay đổi hiện trạng nên tôi kê biên giấy chủ quyền nhưng đưa hồ sơ qua VKS thì bị trả lại”.

Lý giải về việc bà Năm cho rằng bà không chịu hỗ trợ nên mới bị CHV kéo dài, bà Trang nói đó không phải là vòi vĩnh. “Ông C. đang nuôi con và không hợp tác nên không thể tự bỏ tiền ra dự trù kinh phí cưỡng chế. Nhà nước thì không bỏ tiền ra, bà Năm không hỗ trợ tiền nên không làm” - bà Trang cho biết.

Trả lời về việc nhiều lần bà Năm xin gặp nhưng bị từ chối, ông Hoàng Minh Nhân, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Gò Vấp, nói: “CHV đang làm, sao tôi can thiệp được. Chúng tôi đến nhà, người ta không hợp tác. Hiện nay chúng tôi đang xin ý kiến của cấp trên để tiến hành cưỡng chế kê biên. Trước sau gì cũng làm thôi”.

PV hỏi: “Nhưng vụ việc kéo dài đã ba năm rồi?”, ông Nhân nói: “PV nói như thế là đổ công sức của chúng tôi xuống sông hết. Tôi là giáo viên tâm lý của Học viện Tư pháp. Cơ quan THA không phải là cái máy, chỉ làm theo quyết định của bản án mà phải tìm hiểu xem bản chất tranh chấp của người ta như thế nào để không làm phá vỡ đi mối quan hệ đã được xác lập trước đó vì ly hôn là phá vỡ tế bào xã hội rồi”.

Khó khăn thì phải báo cáo cấp trên

Sau khi CHV căn cứ vào Điều 39, 42, 46 Luật THADS thông báo về việc THA và đã niêm yết hợp lệ nhưng người phải THA không hợp tác thì tiến hành cưỡng chế. Điều 46 Luật THADS nói rõ: Hết thời hạn tự nguyện THA 15 ngày kể từ ngày người phải THA nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA, người phải THA có điều kiện THA mà không tự nguyện THA thì bị cưỡng chế. Còn nếu đương sự cố tình đóng cửa đi vắng, không hợp tác thì CHV áp dụng Điều 93 Luật THADS để yêu cầu người phải THA, người đang sử dụng, quản lý mở khóa. Nếu họ không mở hoặc cố tình vắng mặt thì CHV tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khóa, phá khóa (phải có người làm chứng). Người phải THA phải chịu thiệt hại do việc mở khóa này…

Ngoài ra, chuyện tư vấn tâm lý cho đương sự không có trong bản án, Chi cục THADS quận Gò Vấp phải chấp hành theo phán quyết của tòa. Đương sự không thể lấy việc đang nuôi con nhỏ để cản trở việc phải THA. Nếu kinh phí cho việc tổ chức cưỡng chế có khó khăn mà người phải THA không tự nguyện đóng thì CHV có thể vận động người được THA ứng tiền ra trước, nếu họ không tự nguyện thì CHV cũng không được phép kéo dài thời gian THA mà phải báo cáo cấp trên để có kinh phí kịp thời.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên ĐH Luật TP.HCM

Dù không vòi vĩnh nhưng dân sẽ nghi ngờ

Nếu thông tin đúng như báo phản ánh, Cục THADS TP sẽ chỉ đạo rút hồ sơ lên để làm rõ đúng sai thế nào chứ không thể để án kéo dài. Nếu có khó khăn vướng mắc thì sẽ đưa ra hướng giải quyết, không để ỳ ra như thế được. Dù anh không vòi vĩnh nhưng người dân họ sẽ nghi ngờ có vấn đề gì ở đây. Anh không tích cực giải quyết, anh không báo cáo cấp trên, anh không đưa ra họp liên ngành, nếu không muốn nói thẳng huỵch toẹt ra là có vấn đề ở đây.

Ông VŨ QUỐC DOANH, Quyền Cục trưởng Cục THA TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm