Theo ông Vũ Thanh Bình (Phó Trưởng phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM), các sai sót trong việc ra các quyết định về THA là phổ biến và đa dạng nhất.
Rất nhiều lỗi
Cụ thể, luật quy định thời hạn ra quyết định THA là năm ngày làm việc nhưng thường chậm vài ngày, có nơi chậm vài tháng. Khi ra quyết định THA không viện dẫn đầy đủ căn cứ hoặc sai căn cứ, nội dung thì thiếu phần lãi suất chậm THA, thiếu thời hạn tự nguyện THA. Có lỗi thể hiện sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của cán bộ như vi phạm về thể thức văn bản: viện dẫn nhầm điều khoản, số, ngành, tháng, họ tên đương sự; không đúng biểu mẫu THA; nhiều lỗi chính tả.
Việc ra các quyết định hoãn THA cũng có vi phạm như ban hành nhiều quyết định hoãn đột biến vào hai tháng cuối năm thi đua; hoãn tất cả nghĩa vụ của người phải THA khi chưa có chứng cứ vững chắc. Ngoài ra là các sai phạm như không thông báo quyết định hoãn THA cho đương sự, không tiếp tục THA khi điều kiện hoãn đã hết, không xác minh lại điều kiện THA.
Vi phạm trong việc thu hồi quyết định THA lại phản ánh một cách hiểu sai của nhiều chấp hành viên (CHV). Cụ thể, năm 2015 đã xuất hiện tình trạng một số việc THA theo yêu cầu nhưng sau đó người yêu cầu có đơn xin rút nhưng không từ bỏ quyền lợi được THA. Từ đó một số chi cục THA đã ra quyết định thu hồi quyết định THA với lý do căn cứ ra quyết định về THA không còn (điểm c khoản 1 Điều 37 Luật THADS). Theo ông Bình, cách hiểu và áp dụng như trên là không đúng quy định của Luật THADS.
Hội nghị triển khai công tác tư pháp và thi hành án dân sự năm 2016 tại TP.HCM. Ảnh: CTV
Vi phạm trong việc ủy thác THA thể hiện qua hành vi chậm hoặc không ủy thác khi đã xác định việc THA không thuộc thẩm quyền của mình, không xác minh tài sản trước khi ủy thác, ủy thác đến nơi không có thẩm quyền, chờ đến thời điểm cuối quý, cuối năm mới ủy thác đề báo cáo hoàn thành chỉ tiêu… Đến khâu ra quyết định đình chỉ THA cũng mắc phải sai sót như chậm đình chỉ hoặc vội vàng đình chỉ khi vẫn có điều kiện THA. Theo ông Bình, thường việc ủy thác và đình chỉ vì chưa có điều kiện THA thường tập trung vào cuối năm thi đua, tạo nên những đột biến về số liệu, làm cho thực trạng THA diễn biến không đúng thực tế. Chất lượng của những quyết định ban hành thời điểm này lại thường có sai sót nên việc xử lý lại càng mất thời gian.
Ngoài ra, việc lập sổ sách THA thường mắc phải các lỗi như không ghi chép đầy đủ thông tin, tùy tiện sửa chữa nội dung mà không có xác nhận sửa chữa, cập nhật sai cột, mục. Không ký mở sổ, không chốt sổ theo định kỳ (theo quý, nửa năm, một năm), không đóng dấu giáp lai. Một số nơi có tình trạng số liệu trong sổ thụ lý đơn yêu cầu THA vênh với hồ sơ THA thực tế. Khâu lập hồ sơ THA thì gặp nhiều sai sót như không đánh dấu hoặc chậm đánh dấu, thậm chí tẩy xóa bút lục, lưu các tài liệu không cần thiết…
Những sai sót lặp đi lặp lại
Theo ông Vũ Thanh Bình, có một số vi phạm mà các CHV thường lặp đi lặp lại nhiều năm nhưng vẫn chưa khắc phục được.
Thứ nhất là vi phạm trong thông báo về THA: Chậm thông báo các văn bản về THA trong khi luật quy định là ba ngày. Không thông báo quyết định THA cho người phải THA khiến họ không biết nghĩa vụ của mình và có quyền yêu cầu gì, gây thiệt hại trực tiếp. Nhiều hồ sơ không thể hiện có việc thông báo THA các văn bản cho người được THA và người liên quan. Việc thông báo không đúng địa chỉ của người cần thông báo, nhất là trường hợp kê biên tài sản chung của hộ gia đình, không cập nhật địa chỉ mới, không gửi về nơi đương sự thường sinh sống…
Thứ hai là vi phạm trong khâu xác minh điều kiện THA. Theo luật, việc này phải được thực hiện thường xuyên theo thời hạn quy định nhưng tại hầu hết kết luận kiểm tra, kiểm sát cho thấy một số CHV chậm xác minh có khi cả năm, cá biệt có vụ chậm đến… hơn 10 năm. Hậu quả của việc này là biến hồ sơ từ dạng có điều kiện THA thành không có điều kiện THA do người phải THA đã tẩu tán hết tài sản.
Nhiều hồ sơ lần đầu chậm, khi ra quyết định lần hai mới tiến hành xác minh, thậm chí có vụ còn không xác minh. Khi xác minh thì lại vi phạm trong việc lập biên bản xác minh không đúng như không đúng thể thức, nội dung không đầy đủ, sơ sài, ngữ nghĩa khó hiểu; không phản ánh đúng tình trạng tài sản; lập biên bản đối phó, lấy lệ; thiếu chữ ký của các thành phần tham gia; biên bản trùng nhau; tẩy xóa, sửa chữa nội dung biên bản.
Cạnh đó, theo Cục THA TP, còn nhiều vi phạm khác liên quan đến công tác nhiệm vụ như ban hành quyết định chưa có điều kiện THA; cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản; việc thanh toán tiền THA; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; về công tác báo cáo và chấp hành chỉ đạo của cấp trên…
10 giải pháp khắc phục sai sót - Tăng cường quản lý, điều hành, chỉ đạo cũng như đánh giá, bố trí cán bộ THA phù hợp với khả năng. - Phổ biến sâu rộng sai sót để khắc phục. - Tăng cường kiểm tra nghiệp vụ THA, kỷ luật nghiêm. - Phối hợp tốt với các cơ quan khác trong quá trình tổ chức THA. - Rà soát, phân loại kỹ hồ sơ THA. - Cán bộ THA phải được tham gia đầy đủ lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. - Rút kinh nghiệm đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng THA hằng năm. - Các chi cục trưởng không trực tiếp THA mà tăng cường quản lý, điều hành. - CHV phải tích cực trau dồi kiến thức, nghiên cứu kỹ văn bản, nâng cao trình độ chuyên môn. - Nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, chấp hành kỷ luật trong công việc. Một vụ yêu cầu bồi thường Theo Cục THA TP, năm 2015, ngành THA TP phát sinh một vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến sai phạm của CHV Chi cục THA quận 12 mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh. Đó là vụ ông Trần Xuân Hiếu đang yêu cầu Chi cục THA quận 12 bồi thường vì CHV làm sai. Theo hồ sơ, tháng 8-2011 ông Hiếu mua trúng đấu giá một lô đất với giá gần 1 tỉ đồng, sau đó được cấp giấy đỏ nhưng đến cuối năm 2013, cơ quan cấp giấy lại thu hồi, làm ông Hiếu bị thiệt hại. Hiện Chi cục THA quận đang giải quyết yêu cầu đòi bồi thường này. |