Mới đây, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ kiện của ông H. (Việt kiều), giao hồ sơ về cho tòa cấp sơ thẩm xét xử lại. Điều oái oăm trong vụ này là từ tháng 7-2015, các bên đương sự đã thỏa thuận thi hành án dứt điểm xong với nhau.
Bên trả tiền, bên giao giấy đỏ
Theo hồ sơ, tháng 11-2008, vợ chồng ông Q. ký hợp đồng chuyển nhượng 2.500 m2 đất tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho ông H. với giá 125.000 USD (hợp đồng không có công chứng, chứng thực). Vợ chồng ông Q. đã giao giấy đỏ mảnh đất cho ông H. và nhận đủ tiền.
Sau đó, vì không sang tên được nên đầu năm 2013, ông H. khởi kiện vợ chồng ông Q. ra TAND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng đất và buộc vợ chồng ông Q. phải hoàn trả cho ông 125.000 USD.
Tại phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 7-2013, vợ chồng ông Q. đồng ý hủy hợp đồng chuyển nhượng đất nhưng chỉ chấp nhận trả 1,5 tỉ đồng trong 18 tháng kể từ ngày xét xử sơ thẩm. Số tiền còn lại, theo vợ chồng ông Q. là số tiền mà ông H. phải bồi thường thiệt hại do giá đất tại thời điểm này không bằng thời điểm mà họ chuyển nhượng cho ông H.
TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên hợp đồng chuyển nhượng đất giữa hai bên vô hiệu, vợ chồng ông Q. phải trả cho ông H. 125.000 USD quy ra tiền Việt tại thời điểm xét xử sơ thẩm là hơn 2,65 tỉ đồng, buộc ông H. phải trả giấy đỏ mảnh đất cho vợ chồng ông Q.
Vợ chồng ông Q. kháng cáo. VKSND tỉnh Khánh Hòa cũng kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ông H. nhiều hơn và xác định lại giá thiệt hại để bảo vệ quyền lợi cho vợ chồng ông Q.
Tại phiên phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng hồi tháng 12-2013, đại diện Viện Phúc thẩm 2 đã thay đổi nội dung kháng nghị, yêu cầu tòa phúc thẩm tính giá trị USD tại thời điểm giao dịch của các đương sự để trả lại cho ông H. Tòa phúc thẩm kết luận không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn cũng như kháng nghị của VKS và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Thi hành xong mới bị kháng nghị
Tháng 2-2014, Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thi hành bản án phúc thẩm theo yêu cầu của ông H. Vợ chồng ông Q. khiếu nại. Tháng 3-2014, Viện trưởng VKSND Tối cao có văn bản yêu cầu hoãn THA ba tháng để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Hết thời hạn hoãn THA, Viện trưởng VKSND Tối cao không có kháng nghị nên Cục THA tỉnh Khánh Hòa quyết định tiếp tục THA.
Cuối tháng 3-2015, chấp hành viên (CHV) được giao thụ lý vụ việc đã ghi nhận, chứng kiến nội dung hai bên đương sự thỏa thuận được việc THA. Cụ thể: Bên ông H. đồng ý chỉ nhận 2 tỉ đồng, từ bỏ hơn 650 triệu đồng còn lại và trả lại giấy đỏ cho vợ chồng ông Q. Hai bên cùng cam kết không thắc mắc, khiếu nại gì về nội dung thỏa thuận này.
Đến tháng 7-2015, hai bên đương sự đã thực hiện xong thỏa thuận trên. Trên cơ sở đó, Cục THA tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các quyết định đình chỉ THA đối với số tiền còn lại mà vợ chồng ông Q. phải thi hành là 650 triệu đồng, thu hồi quyết định cưỡng chế kê biên tài sản đối với vợ chồng ông Q.
Hồ sơ THA đã được đóng lại nhưng mới đây, chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm lại, đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Theo văn bản kháng nghị của chánh án TAND Tối cao, việc hai cấp tòa sơ, phúc thẩm tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất giữa các bên vô hiệu là đúng. Bởi lẽ hợp đồng này không có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm khoản 2 Điều 689 BLDS 2005. Hơn nữa, ông H. là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, không phải là đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2003. Tuy nhiên, hai biên bản định giá của tòa cấp sơ thẩm lại căn cứ vào khung giá đất của UBND tỉnh để giải quyết vụ án là không đúng (xác định giá đất tranh chấp là 8.450 đồng/m2). Lẽ ra tòa cấp sơ thẩm phải định giá phần chuyển nhượng theo giá thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm để xem xét thiệt hại mới đúng...
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi vụ việc này có diễn tiến mới.
Nhiều khả năng xảy ra Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia cho biết theo BLTTDS hiện hành, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là ba năm kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật (trừ một số trường hợp luật định). Trong vụ việc của ông H. và vợ chồng ông Q., dù hai bên đã THA xong nhưng thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm vẫn còn. Khi có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thì Hội đồng Giám đốc thẩm phải mở phiên tòa giám đốc thẩm để xem xét. Trong trường hợp Hội đồng Giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm thì vụ việc xem như khép lại vì việc THA theo bản án phúc thẩm đã xong. Tuy nhiên, nếu Hội đồng Giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án sơ, phúc thẩm thì tòa sơ thẩm sẽ phải thụ lý lại vụ án. Lúc này, để tránh cho các bên đương sự mất công, mất sức, mất thời gian thì nguyên đơn nên rút đơn kiện để tòa sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án. Còn trong trường hợp nguyên đơn không rút đơn kiện thì tòa sơ thẩm vẫn giải quyết vụ án một cách bình thường theo trình tự, thủ tục quy định trong BLTTDS hiện hành. Lúc này bị đơn có quyền phản tố, yêu cầu tòa xem xét về số tiền đã trả cho nguyên đơn thông qua cơ quan THA để tòa cấn trừ khi quyết định.. |