Xét xử vụ tiêu cực tại PMU 18: Bộ GTVT nói mình không bị thiệt hại tiền tỉ

Ngày 27-6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Tiến Dũng (nguyên tổng giám đốc Ban Quản lý Các dự án 18 - PMU 18) cùng bảy đồng phạm về tội tham ô tài sản. Bảy đồng phạm gồm: Nguyễn Vũ Nam (nguyên trưởng phòng Triển khai dự án 6 của PMU 18-PID6), Nghiêm Phú Sơn (nguyên phó phòng PID6), Nguyễn Công Dũng (nguyên chuyên viên PID6), Lê Minh Giang (nguyên phó phòng PID5), Nguyễn Hữu Minh (nguyên giám đốc điều hành gói thầu BC1), Nguyễn Hữu Long (nguyên giám đốc điều hành gói thầu BC3) và Trần Đức Hùng (nguyên chánh văn phòng tư vấn).

Nguyên phó tổng giám đốc PMU 18 Đỗ Kim Quý bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Chiếm đoạt 3,4 tỉ đồng tiền lương

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, tháng 7-1998, dự án cầu Bãi Cháy được Thủ tướng phê duyệt tổng mức đầu tư gần 1.400 tỉ đồng. Dự án được giao cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Các dự án 18 (PMU 18) trực tiếp quản lý và thi công. Phát hiện có sơ hở trong quản lý và chi trả lương cho các nhân viên tại các gói thầu, Phạm Tiến Dũng (nguyên trưởng phòng PID6) xin ý kiến chỉ đạo của Bùi Tiến Dũng, lập khống danh sách nhân viên tư vấn. Từ tháng 3-2003 đến 2-2007, với sự giúp sức của các đồng phạm khác, các bị cáo đã chiếm đoạt của Nhà nước hơn 3,4 tỉ đồng tiền lương khống.

Xét xử vụ tiêu cực tại PMU 18: Bộ GTVT nói mình không bị thiệt hại tiền tỉ ảnh 1

Bị cáo Dũng tổng (bên phải hàng đầu) và các đồng phạm tại tòa. Ảnh: TL

Trong số tiền lương khống được duyệt, Bùi Tiến Dũng trực tiếp ký duyệt hơn 2,7 tỉ đồng, tạo điều kiện cho nhóm của Phạm Tiến Dũng chiếm hưởng gần 1,6 tỉ đồng. Bùi Tiến Dũng còn chỉ đạo nhân viên lấy 500 triệu đồng “làm quà” tặng cho Đỗ Kim Quý (phó tổng giám đốc PMU 18) khi bị cáo này chuẩn bị về hưu và dùng 100 triệu đồng để tiếp đãi bạn học. Bị cáo Quý biết số tiền này được rút trái phép từ vốn của dự án nhưng vẫn nhận nên bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Số tiền còn lại, các bị cáo đã chi tiêu sai nguyên tắc của Nhà nước.

Trong vụ án này, Phạm Tiến Dũng được xác định giữ vai trò chủ mưu nhưng do chết trong quá trình tạm giam nên được đình chỉ, không truy tố. Tại tòa, 12 luật sư đã tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó Bùi Tiến Dũng mời ba luật sư.

"Bộ GTVT không bị thiệt hại"

Tại phiên tòa, HĐXX đã công bố công văn của Bộ GTVT chối tham gia với danh nghĩa nguyên đơn dân sự. Tòa cũng cho biết có một số người liên quan cũng vắng mặt.

Về việc này, các luật sư đã yêu cầu hoãn phiên tòa để triệu tập những người liên quan để phiên tòa diễn ra một cách khách quan. Đặc biệt, một luật sư của bị cáo Dũng còn đề nghị dừng phiên tòa bởi trong vụ án này không có người bị hại, không xác định được bị cáo chiếm đoạt tiền của ai nên không đủ cơ sở để xét xử.

Theo luật sư này, tháng 1-2010, Bộ GTVT đã có công văn trả lời VKSND Tối cao khẳng định Ban quản lý dự án 2 (trước đây là PMU 18), kỹ sư tư vấn và các nhà thầu đã rà soát, khấu trừ lại khoản chi trước thời điểm Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án. Theo đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu Bãi Cháy hoàn toàn không bị thiệt hại. Bộ GTVT cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại và khẳng định mình không là nguyên đơn dân sự trong vụ án.

Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng việc vắng mặt những người liên quan không ảnh hưởng đến tính khách quan của phiên tòa. Phiên tòa này diễn ra trong nhiều ngày nên tòa sẽ tiếp tục gửi giấy triệu tập những người này nếu thấy cần thiết. Việc Bộ GTVT không tham gia phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự là tự tước bỏ quyền lợi của mình nên tòa vẫn tiếp tục xét xử.

Hôm nay, tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

Đang thụ án lại tiếp tục hầu tòa

Trước đó Bùi Tiến Dũng (còn gọi là Dũng tổng) đã bị xét xử hai lần và bị tuyên phạt tổng cộng 16 năm tù về các tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đánh bạc và đưa hối lộ.

Cụ thể, tháng 11-2007, bị cáo Dũng bị TAND Tối cao tuyên y án 13 năm tù về tội đưa hối lộ và đánh bạc hơn 13 tỉ đồng. Tháng 8-2010, Dũng tổng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt ba năm tù về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế khi cho mượn bảy ôtô và sử dụng không đúng tiêu chuẩn hai ôtô hạng sang khác.

Còn Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1973), nguyên trưởng phòng PID6 và phòng Kinh tế kế hoạch thuộc PMU 18 (bị bắt ngày 3-3-2006), đã chết trong trại tạm giam vào tháng 7-2009 vì biến chứng của bệnh tiểu đường. Được xác định là đầu vụ trong vụ án này nên cái chết của Phạm Tiến Dũng đã gây ra không ít khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình xác định sự thật của vụ án.

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm