Cha, con và bản án tù oan

Gia đình anh Vũ Đình Tuấn ở thị xã La Gi (Bình Thuận) trước đây được xem là gia đình khá giả nhờ buôn bán, làm ăn chân chính, tạo dựng được mấy căn nhà mặt tiền liền kề nhau.

Hết con bị tù oan

Sau năm 1975, khi được chính quyền địa phương đặt vấn đề, cha anh Tuấn làm giấy cho mượn hai căn nhà gồm một căn lầu, một căn nhà trệt có gác trong thời hạn năm năm để làm cửa hàng thương nghiệp. Sau đó, cả gia đình anh dắt nhau mua một mảnh đất gần đó làm nhà ở để sản xuất nông nghiệp.

Năm 1982, chính quyền trả lại căn nhà lầu mà cha anh Tuấn đã cho mượn, riêng căn nhà gác liền kề, phần dưới chính quyền vẫn tiếp tục trưng dụng làm cửa hàng, còn trên gác, anh Tuấn được cha cho ở.

Năm 1985, chủ tịch UBND huyện Hàm Tân ra quyết định thu hồi mảnh đất nông nghiệp của nhà anh vì cho rằng đây là đất lấn chiếm trái phép dù gia đình anh mua đất có giấy tờ và hằng năm đều đóng thuế.

Ngày 1-4-1985, huyện Hàm Tân tổ chức lực lượng đến cưỡng chế, lúc đó anh Tuấn mới bước vào tuổi 17. Toàn bộ đồ đạc của gia đình được lực lượng cưỡng chế đưa ra ngoài khu đất. một cán bộ VKSND huyện Hàm Tân lúc đó, nay là lãnh đạo VKSND thị xã La Gi, chỉ tay vào đống đồ đạc ra lệnh cho Tuấn phải tự bảo quản. Trong cơn uất ức, anh buột miệng: “Tôi giữ đồ này giống như giữ đồ cho kẻ cắp”.

Cha, con và bản án tù oan ảnh 1

Anh Vũ Đình Tuấn: “Gia đình tôi đã không còn nước mắt để khóc vì oan khiên cứ nối tiếp oan khiên”.

Lập tức Tuấn bị bắt giam và chỉ 12 ngày sau đã bị đưa ra tòa về hành vi chống lại cán bộ, nhân viên nhà nước trong khi thi hành nhiệm vụ và phản tuyên truyền chống lại việc thực hiện các chính sách và pháp luật của nhà nước.

Hàng chục bạn học lớp 11 của Tuấn đã đến tòa để xem bạn mình bị xét xử. Tuấn bị phạt chín tháng tù. Sau khi bị giam đúng 100 ngày, anh được chánh án TAND tỉnh Thuận Hải (cũ) ra lệnh tạm tha. Ngày 21-11-1985, TAND tỉnh đưa vụ án ra xử phúc thẩm, tuyên Tuấn không có tội như bản án sơ thẩm.

Đến lượt cha bị bắt

Ra tù, Tuấn phụ cha vá vỏ xe trước nhà và mua đi bán lại vài bao xi măng để kiếm tiền chợ. Cha con anh đang làm ăn lương thiện thì ngày 9-11-1988, cũng chính tay cán bộ VKS huyện lúc trước (thời điểm này là viện phó VKSND huyện) ra lệnh bắt khẩn cấp cha anh Tuấn (lúc này ông đã 61 tuổi) về tội mua bán vật liệu xây dựng trái phép để đầu cơ.

Toàn bộ căn nhà của gia đình anh bị khám xét nhưng cơ quan chức năng không thu giữ được một vỏ bao xi măng nào. Theo bản kê những tang vật bị tạm giữ của VKSND huyện Hàm Tân, lực lượng khám xét đã thu giữ hơn 200 tập giấy tờ của gia đình, trong đó có cả giấy tờ cha anh Tuấn cho chính quyền địa phương mượn hai căn nhà. Ngoài ra, VKS còn thu giữ hơn 4 triệu đồng (hơn bốn lượng vàng) của gia đình anh.

Sau gần một tháng bắt giam, không chứng minh được cha anh Tuấn phạm tội, VKSND huyện Hàm Tân đành phải trả tự do nhưng không hề xin lỗi một lời.

“Vướng lời nguyền”?

Anh Tuấn cay đắng nói có lẽ gia đình anh “bị vướng phải lời nguyền” nên những oan khiên rồi vẫn chưa chịu dừng lại.

Ra tù, cha con anh bắt đầu hành trình khiếu nại để được minh oan, để được trả lại số giấy tờ, tiền bạc của gia đình bị tịch thu nhưng hơn 20 năm qua họ không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Trong khi đó, đơn yêu cầu trả lại căn nhà gác cũng không được xem xét vì chính quyền địa phương cho rằng giấy cho mượn nhà chỉ là bản photocopy, không giải quyết (giấy gốc đã bị VKSND huyện Hàm Tân tịch thu, chưa trả lại).

Sự đời còn ngược ngạo hơn. Đùng một cái, ngày 10-6-2009, gia đình anh Tuấn được TAND thị xã La Gi mời đến tòa với tư cách bị đơn, còn nguyên đơn là Công ty Cổ phần Thương mại Bình Thuận, đơn vị mượn tầng trệt căn nhà gác của gia đình anh làm cửa hàng từ sau năm 1975. Theo đó, công ty này khởi kiện yêu cầu trục xuất gia đình anh ra khỏi căn gác, trả lại phần không gian phía trên cho công ty.

Ra tòa rồi gia đình anh Tuấn mới té ngửa vì căn nhà mình cho mượn đang đòi lại chưa được thì đã bị UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt giá trị nhà, giao cho công ty thương mại quản lý và cấp giấy đỏ từ năm 2006.

Kết quả của vụ kiện này là TAND thị xã La Gi đã chấp nhận đơn khởi kiện và buộc gia đình anh Tuấn phải dọn ra khỏi căn nhà mà chính mình đã đổ mồ hôi, nước mắt để tạo lập từ 40 năm trước.

Tù oan không được bồi thường, giấy tờ, tiền bạc bị tịch thu không được trả lại, nhà của mình cũng bị trục xuất. Ôm chồng đơn thư khiếu nại trên tay, anh Tuấn ngồi bệt xuống nền nhà, chùng giọng: “Ông bà thường nói có vay thì có trả nhưng đối với gia đình tôi không đúng. Oan khiên nối tiếp oan khiên, chúng tôi đã không còn nước mắt để khóc nữa rồi!”.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm