Đánh người để phòng vệ?

Đánh người để phòng vệ? ảnh 1

Khoảng tháng 7-2008, Phan Hải Nam đến trung tâm thị trấn Hai Riêng, Sông Hinh (Phú Yên) chơi thì nhìn thấy C. Do có mâu thuẫn từ trước, Nam nổi máu khùng, gây sự rồi lao vào đấm đá C. túi bụi. C. bỏ chạy đến nhà chú của mình kể lại chuyện bị hành hung vô cớ. Người chú đã cùng hai người khác đi tới nhà Nam để hỏi hư thực thế nào.

Vượt quá giới hạn phòng vệ?

Sau khi đánh C. xong, Nam chạy vội về nhà. Nhưng rồi sợ người nhà của C. đến quấy phá, ảnh hưởng đến gia đình của mình, Nam lại lộn ngược ra đường để “ngăn chặn từ xa”.

Vừa lúc ấy, người nhà của C. đến nên hai bên to tiếng, xô xát. Bị cốc vào đầu một cái nổ đom đóm mắt, Nam chạy vào một hàng rào bên cạnh, nhặt được khúc cây dài cỡ 1 m, to bằng ngón chân cái quay lại phang một phát khiến một người trong nhóm kia bị chảy máu mắt, tỉ lệ thương tật 34%. Sau đó, Nam bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Mới đây, xử sơ thẩm, TAND huyện Sông Hinh cũng đồng tình với cáo trạng truy tố. Xét thấy bị cáo chưa thành niên, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên tòa chỉ tuyên phạt sáu tháng tù treo theo khoản 1 Điều 106 BLHS (khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm).

Hay cố ý đánh người?

Sau phiên tòa sơ thẩm, có nhiều ý kiến cho rằng việc truy tố, xét xử Nam về tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là chưa đúng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của bị cáo.

Theo luồng quan điểm này, Nam chính là người có hành vi vi phạm pháp luật trước, đã đánh C. nên gia đình C. mới đi tìm Nam để hỏi chuyện. Khi gặp nhau, một người trong phía nạn nhân chỉ mới dùng tay gõ một cái vào đầu bị cáo, bị cáo đã chạy đi tìm hung khí và đánh nạn nhân gây thương tích. Hành vi của nạn nhân cũng có lỗi nhưng chưa phải là hành vi phạm tội và cũng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội.

Hơn nữa, sau khi bị cốc vào đầu, Nam có đủ thời gian chạy đi tìm cây tức là có điều kiện để lựa chọn cách xử sự khác nhưng bị cáo lại chọn cách dùng khúc cây nhặt được quay lại đánh nạn nhân. Như vậy hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích. Do bị cáo dùng cây là hung khí nguy hiểm, làm nạn nhân bị thương tật 34% nên phải bị truy tố, xét xử theo khoản 3 Điều 104 BLHS (khung hình phạt tù từ năm đến 15 năm).

Cả hai bên đều đáng trách

Tôi lại đồng tình với quan điểm bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Bởi lẽ khi xảy ra sự việc, phía nạn nhân đi cả nhóm người và đang vây lấy bị cáo để “hỏi chuyện”, trong đó có một người đã đánh bị cáo. Với tương quan lực lượng này thì bị cáo có thể phải tự phòng vệ bằng nhiều cách. Cuối cùng bị cáo chọn cách là nhặt cây đánh trả vì có như vậy mới có thể thoát ra ngay được chuyện hành hung của nhóm người phía nạn nhân. Tôi thông cảm được với cách lựa chọn này. Bỏ chạy cũng là một cách nhưng có thể sẽ bị đuổi theo và bị hành hung nặng hơn.

Nhưng dù sao tôi cũng không đồng tình với cách hành xử của cả bị cáo lẫn phía nạn nhân. Chuyện mâu thuẫn có thể hóa giải bằng nhiều cách êm đẹp, tình cảm hơn chứ không phải bằng cách đánh đấm, đâm chém lẫn nhau. Pháp luật sẽ nghiêm khắc với những hành vi như vậy.

Luật sư Lê Ngọc Cảnh Đoàn Luật sư TP.HCM

SÔNG BA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm