Nỗi đau khó lành

Để rồi một ngày, thứ chị nhận lại chỉ là sự lạnh lùng đáng sợ và một lá đơn ly dị được anh âm thầm gửi đến tòa…

Mặc cho cái nắng sáng gắt gỏng rọi vào tận cửa phòng xử của TAND TP.HCM, chị vẫn ngồi yên. Chị và chồng đến từ sớm. Hai người ngồi hai đầu ghế, cách nhau chỉ một gang tay nhưng khoảng trống vô hình thật khó lấp đầy.

1. Trong lúc chờ tòa làm việc, người chồng bình thản mở cuốn tạp chí mang theo ra đọc. Vóc người nhỏ thó, đeo kiếng dày, mái tóc ngả màu hoa râm, anh đã 49 tuổi, độ tuổi không còn thích hợp cho những háo hức, nông nổi của tuổi trẻ như khi mới “vào đời”. Thế nhưng anh vẫn quyết tâm ly dị vì “không hài lòng với cách ứng xử, dạy dỗ con cái của vợ và hơn cả là sự chênh lệch nhận thức, bất đồng quan điểm trong cuộc sống giữa hai người”...

Chị chỉ kém chồng một tuổi. Mỗi lần anh đứng dậy thao thao với HĐXX, chị lại mân mê hai cái quai túi xách đang nắm chặt trong tay như muốn được giãi bày điều gì. Đôi bàn tay gân guốc khẽ run rẩy. Chốc chốc chị ngoái ra cuối phòng, nơi cô con gái lớn đang buồn bã dõi mắt về phía cha mẹ. Không gian phòng xử càng lúc càng bức bối, chật hẹp.

Kết hôn năm 1991, vợ chồng chị từng có khoảng thời gian hạnh phúc, bình yên với hai cô con gái xinh xắn lần lượt ra đời. Ngày đó chị quen anh do một người bà con giới thiệu. Thời gian tìm hiểu chỉ vỏn vẹn hai, ba tháng nhưng cũng đủ để trái tim chị xao động và quyết định gắn bó lâu dài với anh. Bản tính dám nói dám làm, vững vàng cứng cỏi nhưng cũng rất đỗi hiền lành, chân chất của người đàn ông đến từ nơi cao nguyên khắc nghiệt đã chinh phục trái tim chị khi đó.

Nỗi đau khó lành ảnh 1

Vậy mà giờ, chị phải thừa nhận mình đã lầm. “Ổng im im đem đơn gửi ra TAND quận Bình Tân xin ly hôn, đến khi tòa gọi lên tui mới vỡ lẽ. Lần này xử phúc thẩm là do ổng kháng cáo vì bữa trước TAND quận Bình Tân không thuận cho ly hôn. Tui với ổng ly thân bảy năm rồi”…

2. Chị giấu nhẹm, không hé răng nói một câu nào về chuyện chồng ngoại tình trước tòa. Chị sợ nói ra nhỡ đâu tòa xử cho hai người ly hôn thì... Thực lòng chị không muốn điều đó xảy ra bởi chị vẫn còn yêu chồng, thương các con.

Từ khi chồng chị trở thành giám đốc một doanh nghiệp lớn, anh thường xuyên vắng nhà. Không mấy khi anh có mặt để ăn chung bữa cơm với vợ con. Công việc căng thẳng, áp lực khiến anh hay cáu gắt, nóng nảy. Thỉnh thoảng vợ chồng lục đục nhưng rồi đâu lại vào đấy. Chị bảo tính chị hay nói, đã nói thì nói rất nhiều nhưng không để bụng. Chồng chị lại khác, anh điềm tĩnh và nghiêm nghị hơn.

Thương anh vất vả kiếm tiền, chị chấp nhận hy sinh, quyết định nghỉ việc để ở nhà lo chuyện bếp núc, chăm sóc con cái. Mẹ chồng chị mất cách đây không lâu, cha chồng cũng già yếu, nằm liệt giường mấy năm trời đều một tay chị chăm sóc, phụng dưỡng. Ở nhà nhưng không lúc nào chị ngớt việc. Hết tắm rửa, bón cơm cho cha chồng đau bệnh lại nấu nướng, giặt giũ cho chồng và hai con. Nhiều hôm đợi cơm mãi đến khuya anh vẫn chưa về, chị ngủ gật bên bàn cơm nguội ngắt.

Vậy mà đùng một cái, chị nghe tin anh có người khác. Một cô bồ 31 tuổi làm kế toán ngân hàng, đã ly dị chồng từ lâu. Chị không có số điện thoại của “tình địch” nên đến tận nơi làm việc của cô ta để nói chuyện. Chỉ duy nhất một lần ấy. Không ầm ĩ, không rùm beng chửi bới, chị chỉ nhỏ nhẹ yêu cầu cô ta chấm dứt mối quan hệ này. Chồng chị biết chuyện, không những không ân hận, xấu hổ mà còn giận dữ nắm cổ áo chị và nạt nộ sao chị lại “bêu riếu, xúc phạm” mình.

Rồi anh dọn đồ, bỏ ra ngoài sống từ đó đến nay. Đau khổ nhưng phải lặng câm, chị tập quen dần với cảnh bắt gặp chồng mình chở người đàn bà xa lạ ấy đi trên phố.

3. “Tôi cứ nghĩ 50 tuổi đầu rồi, hơn nữa còn cha già đang ốm đau thì ổng sẽ nghĩ lại. Nhưng… Phải chăng đàn ông, một khi đã muốn ra đi thì khó giữ chân lại được lắm, có níu kéo gì cũng vô ích thôi” - chị cười chua xót.

Trình bày trước tòa, anh vẫn giữ cái giọng đều đều như đọc báo cáo ở cơ quan. 20 năm chung sống cùng người vợ tảo tần và hai cô con gái đáng yêu không đủ níu anh rút lại lá đơn xin ly hôn của mình. Anh viện đủ thứ lý do. Nào là giữa hai người lệch nhau về trình độ, nhận thức. Anh đường đường là giám đốc, quan hệ xã hội rộng rãi với ông nọ, bà kia. Chị thì chỉ loanh quanh trong nhà, nhận thức hạn chế, nói chuyện nhạt thếch, khô khan. Rồi nào là chị không biết dạy dỗ con, cư xử không ra gì với nhà chồng. Anh còn cự lại rằng lời khai của những nhân chứng trong chính gia đình anh như anh ruột, cô chú… về sự bạc tình, bất hiếu của anh là “không khách quan”.

Một thẩm phán nghiêm giọng: “Anh tối ngày bận rộn, nếu vợ anh không hy sinh thì ai lo toan việc gia đình, dạy dỗ con cái? Ai chăm sóc cha anh đang nằm liệt giường? Anh nói mà anh có suy nghĩ gì không?”. Bị bắt bẻ, người chồng không nói gì nhưng khuôn mặt cau có.

Ly thân, ly hôn là kết cục bất hạnh mà người lớn lẫn con trẻ đều không ai mong muốn. Tòa nhận định giữa hai vợ chồng không có mâu thuẫn gì quá trầm trọng nên giữ nguyên án sơ thẩm.

Người chồng bực bội ra về. Chị bước đi nặng nhọc, thất thểu, bóng đổ dài trong cái nắng liêu xiêu: “Nếu hai năm nữa, chồng tôi vẫn làm đơn gửi tòa, thì lúc ấy tôi sẽ đành buông tay”!

HÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm