Bộ Công an đề xuất nhiều quy định mới liên quan đăng ký thường trú, tạm trú

(PLO)- Theo đề xuất của Bộ Công an, khi đăng ký thường trú, tạm trú người dân phải trình hợp đồng thuê nhà có công chứng, chứng thực.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an vừa có tờ trình dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú.

Một điểm đáng chú ý tại dự thảo là Bộ Công an đề xuất quy định hợp đồng thuê nhà phải có công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Cư trú (Điều 5 dự thảo).

Cụ thể, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và có công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Cư trú.

Trong khi đó, tại điều 5 Nghị định 61/2021 hiện hành quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở.

Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua thì hợp đồng thuê nhà ở phải được công chứng, chứng thực nếu những người thuê nhà muốn đăng ký thường trú tại nhà thuê.

Cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất nhiều quy định mới về giấy tờ đăng ký thường trú cho nhiều đối tượng khác như hợp đồng mua nhà ở hình thành trong tương lai; giấy tờ, tài liệu chứng minh giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp đang thế chấp ngân hàng; giấy tờ mua bán viết tay, cam kết về việc không có tranh chấp

Bộ Công an đề xuất nhiều quy định mới liên quan đăng ký thường trú, tạm trú
Bộ Công an đề xuất nhiều quy định mới liên quan đăng ký thường trú, tạm trú.

Dự thảo cũng đề xuất các giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú.

Cụ thể, giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng) hay hợp đồng mua, bán, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước…

"Trừ trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì văn bản đó không cần công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã" - dự thảo nêu.

Ngoài ra còn có văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có các giấy tờ chứng minh theo quy định.

Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp chứng minh là chủ sở hữu cơ sở kinh doanh lưu trú hoặc được chủ sở hữu cơ sở kinh doanh lưu trú cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Công dân được đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình mà không phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp khi chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 Luật Cư trú. Trường hợp công dân đề nghị đăng ký vào hộ gia đình tạm trú đã có phải có ý kiến đồng ý của chủ hộ, thời hạn tạm trú bằng thời hạn tạm trú của hộ gia đình.

Cũng theo dự thảo, thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân gồm 31 trường thông tin như số hồ sơ cư trú; nơi thường trú, thời gian bắt đầu đến thường trú; nơi lưu trú, thời gian lưu trú; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình; quan hệ với chủ hộ…

Đặc biệt, dự thảo đề xuất bổ sung trường thông tin là đối tượng khai báo tạm vắng, nơi đến trong thời gian tạm vắng, thông tin khác về công dân được tích hợp, chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu khác.

Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp.

- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con.

- Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ.

- Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

Khoản 2, Điều 20 Luật Cư trú năm 2020

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm