Bộ Công an vừa công bố và đưa ra lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước và mẫu giấy chứng nhận căn cước.
Theo đó, Bộ Công an đã đưa ra đề xuất về mẫu thẻ căn cước theo Luật Căn cước 2023 sẽ áp dụng từ 1-7-2024.
Cụ thể, về hình dáng và kích thước của thẻ căn cước cơ bản vẫn giống như CCCD hiện nay. Tuy nhiên, nhiều thông tin thể hiện trên mặt CCCD sẽ có những thay đổi theo quy định của Luật Căn cước.
Trên nền mặt trước của mẫu, chữ CCCD sẽ chuyển thành căn cước; số sẽ chuyển thành số định danh cá nhân.
Hai mục là quê quán được chuyển thành nơi đăng ký khai sinh và nơi thường trú được chuyển thành nơi cư trú. Hai mục này nằm ở mặt sau của thẻ căn cước thay vì mặt trước như CCCD hiện nay. Ngoài ra, mã QR code cũng chuyển về mặt sau của thẻ căn cước.
Các thông tin về đặc điểm nhận dạng, vân tay của ngón trỏ trái và phải cũng không còn thể hiện trên thẻ căn cước…
Riêng mã QR được quy định có kích thước 11mm x 11mm, bao gồm những thông tin họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số chứng minh nhân dân 9 số của người được cấp thẻ (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).
Thẻ căn cước được sản xuất bằng chất liệu nhựa, được bảo an. Bộ phận lưu trữ thông tin là mã QR code và chíp điện tử được gắn ở mặt sau thẻ căn cước. Các thông tin lưu trữ trong chíp điện tử của thẻ căn cước được mã hóa bằng phương pháp sử dụng thuật toán và tham số mật mã.
Vẫn theo đề xuất của Bộ Công an, sẽ có hai mẫu căn cước được xem xét cấp cho người 0-6 tuổi và người từ 6 tuổi trở lên. Riêng mẫu dành cho người 0-6 tuổi sẽ không thể hiện ảnh trên thẻ căn cước.
Đối với mẫu giấy chứng nhận căn cước sẽ có hình chữ nhật, kích thước 125 x 170 mm. Trên giấy chứng nhận căn cước có ảnh của người được cấp giấy chứng nhận căn cước cỡ 25 x 33 mm; Mã QR code kích thước 18 x 18 mm; Ô vân tay ngón trỏ trái; Ô vân tay ngón trỏ phải.
Bên phải từ trên xuống sẽ có thông tin về số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; tình trạng hôn nhân; nơi ở hiện tại; họ, chữ đệm và tên cha.
Tiếp đó là quốc tịch; họ, chữ đệm và tên mẹ; quốc tịch; họ, chữ đệm và tên vợ (chồng); quốc tịch; họ, chữ đệm và tên của người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ; quốc tịch; thời hạn sử dụng đến; ngày, tháng, năm...
Nói về sự cần thiết của việc ban hành thông tư này, theo Bộ Công an là nhằm thực hiện nội dung quy định của Luật Căn cước mới sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-7-2024 cũng như thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Thông tư này được áp dụng với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; công an các đơn vị, địa phương; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cấp, quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; công tác thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước theo quy định tại Thông tư này.