Người mẫu và DJ ‘xin’ được nộp thuế

Trong một buổi nói chuyện của cộng đồng nhạc EDM (Electronic Dance Music - nhạc điện tử xu hướng nhạc dance) mà cụ thể là Trance Family Việt Nam, DJ Nguyễn Đức Thiện (nghệ danh Thiện Hí) đã chia sẻ rằng “khát khao của cộng đồng DJ là được đóng thuế cho Nhà nước với tư cách là một nghề, có mã số ngành nghề hẳn hoi”.

DJ (Disc Jockey) vốn không xa lạ với giới chuyên môn âm nhạc nhưng trong danh mục nghề của Bộ LĐ-TB&XH thì DJ vẫn chưa được công nhận là nghề với mã số ngành nghề cụ thể.

Muốn kiêu hãnh với nghề cũng khó!

Những tưởng câu chuyện này chỉ với DJ nhưng rồi trong sáng 23-12, tại hội thảo Nghề người mẫu ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp do Hội Người mẫu Việt Nam tổ chức, nhiều người nhận ra rằng không chỉ DJ mà người mẫu vẫn chưa được thừa nhận là nghề ở Việt Nam.

Siêu mẫu Lan Khuê, người vừa đại diện Việt Nam tranh tài tại Hoa hậu Thế giới 2015, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: “Lâu nay làm nghề người mẫu nhưng không được chính thức thừa nhận là một thiệt thòi lớn cho những người làm nghề như tôi. Khi làm nghề luôn mong muốn một sự kiêu hãnh với nghề mình làm, mà sự kiêu hãnh đó chỉ đến khi xã hội mà cụ thể là luật pháp thừa nhận nó”.

Theo chia sẻ của Lan Khuê thì ở các nước nghề người mẫu thường thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ và các người mẫu được đảm bảo mức sống với hợp đồng làm việc đàng hoàng. “Nghề người mẫu vẫn tự phát, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng không có kết nối nên nhiều khi xảy ra tình trạng người mẫu tự nhận sô và phá giá sô diễn hay nhiều tiêu cực khác… Và khi xảy ra kiện tụng thì các người mẫu cũng không biết bấu víu vào đâu để giải quyết cho mình. Nên công nhận người mẫu là nghề, từ đó có những hiệp hội nghề nghiệp đứng ra bảo vệ họ chứ như hiện tại chúng tôi thiệt thòi lắm!” - siêu mẫu Lan Khuê nói.

Siêu mẫu Lan Khuê cho rằng nghề người mẫu lâu nay thiệt thòi do không được thừa nhận là nghề. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cần phải đào tạo bài bản

Thực tế, việc chưa thừa nhận người mẫu trong danh mục nghề bởi nhiều lý do. Bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam, cho biết: “Mỗi khi Hội Người mẫu Việt Nam gặp trực tiếp hay gửi công văn đến Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề thừa nhận nghề người mẫu để xin mã số ngành nghề, mã số ngành đào tạo… chúng tôi đều nhận sự im lặng, hoặc câu trả lời rằng không có căn cứ và tiền lệ để cung cấp mã số nghề cho nghề này”.

Hầu hết đại biểu đều cho rằng để nghề người mẫu vào khuôn khổ thì người làm nghề này phải được đào tạo bài bản.

PGS-TS Phan Bích Hà, Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, nhận định: “Hiện nay ở nước ta ngoài các trung tâm tư nhân, các nhà văn hóa có đào tạo người mẫu thì hiện chưa có các cơ sở công lập đào tạo người mẫu chuyên nghiệp. Các trường nghệ thuật công lập ở nước ta hiện nay chưa có khoa người mẫu đào tạo chính quy”.

Ông Kim Sung Pil, đại diện Hiệp hội Người mẫu châu Á tại Hàn Quốc và Đông Nam Á, cung cấp thêm thông tin: “Tại Hàn Quốc, người mẫu có mã số ngành nghề được công nhận trong Bộ luật Lao động Hàn Quốc. Đặc biệt, người mẫu cũng phải có nghĩa vụ nộp thuế”.

Trong thời gian tới, giải pháp mà Hội Người mẫu Việt Nam đưa ra là sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện bộ giáo trình đào tạo người mẫu, lấy đó làm căn cứ tổ chức đào tạo ngành người mẫu chính quy. Hội cũng sẽ xây dựng được bộ tiêu chí nghề nghiệp trong đó có quy tắc ứng xử và đạo đức của nghề người mẫu để làm căn cứ đề xuất đưa người mẫu vào danh mục ngành nghề lao động chính thức có mã số ngành nghề như những nghề chính thức khác.

Nhìn thẳng chuyện người mẫu bán dâm

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Minh - Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam khẳng định: “Có một thực trạng không vui - hay nói chính xác là tiêu cực, xảy ra dai dẳng trong quá trình hành nghề người mẫu. Có những người mẫu thiếu tu dưỡng và thiếu bản lĩnh bị lôi cuốn vào các hoạt động vi phạm pháp luật như mãi dâm và tổ chức mãi dâm”.

Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động tiền lương tiền công, Sở LĐ-TB&XH, nhận định một trong những nguyên nhân nghề người mẫu chưa được khẳng định trong danh mục quản lý nhà nước bởi: “Trong đời sống xã hội, nghề người mẫu bên cạnh những hào quang còn vướng những bóng tối tai tiếng”…

Nguyên nhân được Hội Người mẫu cho rằng tuy đã có một số công ty hoạt động chuyên về nghề người mẫu, song nghề người mẫu hiện nay vẫn chưa thoát khỏi dạng hoạt động tự phát, chưa được công nhận là ngành nghề chính thức. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 15 năm làm nghề của mình, giám đốc đào tạo Công ty Người mẫu PL - ông bầu người mẫu Tạ Nguyên Phúc cho rằng không đáng lo chuyện đó vì xã hội sẽ tự đào thải những thành phần xấu. “Với những người mẫu tự xưng, họ đâu thể có chiêu trò hoài được từ tiền bạc đến thủ đoạn. Còn những người mẫu có tên, một số người bị dính tai tiếng, thậm chí vào tù, sau đó họ bị nghề đào thải đâu làm được gì nữa, đâu ai mời nữa”.

HÒA BÌNH

Bộ đang triển khai một số việc để đưa hoạt động người mẫu vào đúng quy định, tạo điều kiện cho người mẫu đóng góp. Trong đó cụ thể nhất là việc cấp thẻ hành nghề người mẫu. Khi cấp thẻ hành nghề thì đương nhiên Nhà nước công nhận đó phải là nghề; Nhà nước tham gia bảo trợ nghề, hỗ trợ trong các quy định pháp luật; tôn vinh đóng góp của người mẫu ở mọi lĩnh vực; loại bỏ những đối tượng mượn danh người mẫu.

Ông NGUYỄN ĐĂNG CHƯƠNG, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VH-TT&DL

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm