Nói với công chúng

Không có người gác cổng, chỉ tấm barie chắn ngang, cao khoảng 1,4 m. Trẻ em cao trên 1,2 m chỉ cần khom người là qua cổng. Nhưng hầu như ai nấy đều tự giác, cứ trên 1,2 m là mua vé. Lời nói đúng của đứa trẻ là mệnh lệnh với người lớn. Chẳng bậc cha mẹ nào nỡ từ chối đề nghị của con việc mua vé qua cửa, khi nó là cách hành xử chung của tất cả mọi người. Singapore mất trên 40 năm để tạo thói quen tự giác cho người dân, đã trở thành nét văn hóa.

2. Bên ngoài tòa nhà quốc hội Mỹ (Capital Hill ở thủ đô Washington DC) có hàng chữ đại ý: “Xin vui lòng không trèo hoặc ngồi trên tường này. Vì sức khỏe và sự an toàn của bạn vô cùng quan trọng đối với chúng tôi”. Họ không nói “Cấm trèo, cấm ngồi”, thậm chí không cần “Cấm bán hàng rong”, “CAMDAIBAY”... như ở ta. Nước Mỹ trẻ trung đã nói với những “ông chủ” của đất nước mình như thế.

3. Ở khu quảng trường trung tâm Luân Đôn (Anh), cách tháp đồng hồ BigBen khoảng 500 m, nơi nhiều người qua lại, có một tháp nhỏ, trên đó có một câu “khẩu hiệu”, đại ý “Người dân Anh yêu nước là người làm đúng công việc của mình”. Khái niệm to tát và khá trừu tượng “yêu nước” bằng một câu nói hết sức giản đơn ấy được cả thế giới chấp nhận và đón nhận.

Một người yêu gia đình là người làm đúng bổn phận của mình trong gia đình đó. Một đất nước vững mạnh là đất nước tập hợp những người làm tốt phần việc của chính họ. Dù là chị lao công, anh công nhân hay thủ tướng chính phủ.

4. Ở ta, thỉnh thoảng có khẩu hiệu dễ đọc, dễ nghe, dễ tiếp cận nhưng còn tương đối hiếm. Tại thị xã Hội An, tấm biển treo ngay ở đầu khu phố cổ, do Trung tâm quản lý khu phố cổ (thuộc Sở VHTT): “Cám ơn quý khách đã giúp chúng tôi giữ gìn văn minh đô thị và bảo tồn khu phố cổ”. Nếu những câu “khẩu hiệu dễ nghe” thế này được thay thế cho những biển báo, câu khẩu hiệu: cấm, nghiêm cấm, không, phải, xử phạt... ở những nơi công cộng thì tốt biết bao.

Khẩu hiệu nơi công cộng là để nói với công chúng, tức nói với những “người làm chủ”, nếu nhẹ nhàng, đơn giản sẽ dễ tiếp cận hơn những khẩu hiệu to tát, thị uy. Cần lắm những câu nói “lọt tai”’ như thế, không phải chỉ cho ngành du lịch mà cho tất cả những nơi công cộng, công sở... nếu thật sự coi người dân là “ông chủ”.

Thanh Hải’s blog

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm