Quay lén phim rạp rồi phát tán: Khó xử hình sự

Sáng 15-11, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiếp nhận hồ sơ vụ livestream trái phép bộ phim Cô Ba Sài Gòn xảy ra tại rạp Lotte Vũng Tàu vào chiều 13-11.

Bị phạt hành chính và bồi thường thiệt hại

Pháp luật hiện hành đã quy định chế tài liên quan đến hành vi quay lén phim rạp, tùy từng mức độ, tính chất, động cơ, mục đích của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, kèm theo nghĩa vụ về dân sự.

Luật sư Phương Ngọc Dũng, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, nhận xét: Điều 27 Nghị định 131/2013 quy định hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt tiền 15-35 triệu đồng. Người có hành vi xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Điển hình như tháng 8-2015, UBND quận Tân Phú, TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với người có hành vi quay lén một bộ phim đang chiếu ở rạp. Kèm theo đó, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gồm một máy ghi hình và ba thẻ nhớ.

Diễn viên-nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cùng đại diện nhà phát hành đang làm việc với Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Về dân sự, theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, tòa án có quyền áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đó là buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu hủy... Nhà sản xuất có quyền kiện người quay lén phim ra tòa để bồi thường thiệt hại cả về vật chất và tinh thần.

Luật sư Trương Vĩnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Hành vi quay lén phim đang chiếu trong rạp rồi phát tán trực tiếp ngay khi việc công chiếu đang diễn ra là hành vi tạo ra bản sao tác phẩm một cách trái phép, xâm hại quyền tác giả, chủ sở hữu bản quyền tác phẩm. Tuy nhiên, nếu việc quay chỉ để thể hiện rằng mình sành điệu, phim vừa ra rạp đã có mặt mình, để bạn bè ngưỡng mộ, để cho vui… thì chỉ là hành vi vi phạm hành chính.

Từ ngày 1-1-2018, hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 225 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo quy định mới, chỉ cần xác định quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng, gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng… là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm. 

Phải có “quy mô thương mại” mới xử hình sự

Theo luật sư Phương Ngọc Dũng, nếu chủ sở hữu cho rằng hành vi quay lén phim như đã nêu có hậu quả thương mại thì cần gửi hồ sơ đến cơ quan điều tra. Trong trường hợp chứng minh được hành vi quay phim lén với mục đích kinh doanh, trục lợi hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến nhà sản xuất phim thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 170a BLHS.

Theo đó, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, ghi hình… với quy mô thương mại thì bị phạt tiền 50-500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm… Tuy nhiên, để xử lý hình sự trong trường hợp này là khó bởi chưa rõ người quay lén có động cơ, mục đích như điều luật buộc phải có hay không, việc buộc tội cũng không chỉ dựa vào lời khai.

Luật sư Nguyễn Sa Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi sao chép với “quy mô thương mại” là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm theo Điều 170a BLHS. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” nên việc áp dụng điều luật này trên thực tế là khó thực hiện.

Người quay lén phim rạp tự đến công an làm việc

Sáng 15-11, diễn viên-nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cùng đại diện nhà phát hành BDH đã đến Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để làm việc về vụ livestream lén bộ phim Cô Ba Sài Gòn. Chúng tôi sẽ nghiêm khắc với tất cả hành vi xâm hại bản quyền điện ảnh đã và đang manh nha diễn ra. Chúng tôi không nhân nhượng!” - cô viết trên Facebook.

Chiều cùng ngày, N.V.Tr. (19 tuổi, sinh viên một trường CĐ tại Bà Rịa-Vũng Tàu, người quay lén phim trong rạp) cùng hai luật sư (do gia đình Tr. mời) đã chủ động đến Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, PA83 giải thích rằng do chưa tiến hành bất cứ thủ tục tố tụng nào với Tr. nên hai luật sư sẽ làm việc sau.

Bước đầu Tr. thừa nhận có lén quay livestream (phát trực tiếp) nội dung phim đang chiếu lên Facebook. Khi phát được khoảng 30 phút thì có nhân viên của rạp đi vào kiểm tra, Tr. đã chủ động tắt điện thoại. Lúc này, Tr. đọc các bình luận phản hồi trên Facebook nên đã xóa đoạn phim chia sẻ. Ít phút sau, một nhân viên khác của rạp đến mời Tr. ra ngoài làm việc. Tại đây, Tr. thừa nhận hành vi của mình là sai. Lập biên bản xong, Tr. ra về. Tr. có nhắn tin riêng trên Facebook cho diễn viên Ngô Thanh Vân xin lỗi về hành vi của mình…

Sau khi Tr. viết tường trình xong, PA83 đã để Tr. ra về cùng hai luật sư. PA83 cho biết hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ của Tr. đã rõ và sẽ tiếp tục xác minh...

KHÁNH LY - QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm