Nhận diện tám đội vào tứ kết: Sẽ có cái chết bất ngờ

Trong tám đội vào tứ kết, có những đội được giới truyền thông dùng từ “lết” vào tứ kết. Chủ nhà Brazil là một minh chứng. Họ suýt chết trước một Chile dũng mãnh hơn, chơi hợp lý hơn và ít bị căng cứng hơn. Hay Đức bị ví là “nín thở vào tứ kết” trước một Algeria chơi thứ bóng đá chân phương và nhiệt tình liên tục khoét vào những điểm yếu của Đức. Ngay cả những đội vào tứ kết mà không cần đến hiệp phụ hay loạt sút luân lưu cũng phải hú hồn sau trận chiến vất vả và bất ngờ ở những phút cuối. Như Hà Lan sống lại vào 10 phút cuối cùng cú ngã định mệnh của Robben. Hoặc Pháp chơi trên chân mà phải đến phút 79 mới có bàn thắng từ sai lầm của thủ môn Nigeria…

Bốn cặp đấu tứ kết không còn phân biệt “ông lớn” và “đội nhỏ”. Ảnh: GETTY IMAGES, đồ họa: BB

Những giải đấu trước, thường thì các đội được khoác lên chiếc áo “ông lớn” càng vào sâu càng thể hiện “bản lĩnh” của mình. World Cup 2014 thì khái niệm “ông lớn” cũng không còn. Nếu chiến thắng của Colombia hào hùng như thế nào trước Uruguay thì trận Brazil - Chile không ai dám nói chủ nhà là “ông lớn”. Kể cả với Argentina có nhiều ngôi sao ở tuyến trên thế mà thật vất vả mới có được một bàn thắng trước Thụy Sĩ chơi thứ bóng đá thật khoa học.

Bốn cặp đấu tứ kết cặp Pháp - Đức khiến nhiều người phải nhắc lại lịch sử và ân oán, duyên nợ. Tương tự, Argentina - Bỉ làm nhớ đến trận khai mạc Espana 1982 mà khi ấy “quỷ đỏ” thời HLV Guy Thys đã khiến đương kim vô địch Argentina (1978) phải ôm hận. Sau đó là Mexico 1986, Maradona dẫn bóng từ giữa sân qua nửa đội hình Bỉ ghi bàn. Hai cặp còn lại Brazil - Colombia và Hà Lan - Costa Rica lại ẩn chứa nhiều bất ngờ vì những “đội nhỏ” giành chiến tích lớn. Ở đây hai đội bóng bị xem là nhỏ (Colombia và Costa Rica) lại không cho thấy sự yếu kém so với tên tuổi của hai đội bóng lớn là Brazil (năm lần vô địch thế giới) và Hà Lan (ba lần tranh chung kết) qua những gì họ đã thể hiện.

Brazil sau lần chết hụt trước Chile giờ sợ Colombia (đang hưng phấn và là đội vào tứ kết nhẹ nhàng nhất) hơn bao giờ hết. Hà Lan sau chiến thắng nhọc nhằn trước Mexico sẽ gặp thuốc thử Costa Rica nổi tiếng với lối chơi phòng ngự phản công lì lợm và giàu thể lực. Cứ xem cái cách Costa Rica thắng Uruguay rồi vượt qua Ý để giành suất đầu tiên vào vòng 16 đội sẽ biết được sức mạnh thật sự của họ không dựa vào những ngôi sao siêu việt mà là một tập thể giàu sức chiến đấu và có tính kỷ luật cao lẫn sức bền đáng ngại.

Cái chết bất ngờ có thể sẽ đến ở tứ kết sau 56 trận với quá nhiều bất ngờ làm thay đổi khái niệm về những đội bóng lớn và các đội còn lại. Đấy cũng là sự tiến bộ lớn mà World Cup 2014 cho thấy bóng đá thời toàn cầu hóa đã xóa dần những ranh giới lớn - nhỏ.

NGUYỄN NGUYÊN

Trong tám cặp đấu ở vòng 16 đội, chỉ có Colombia thảnh thơi khi thắng Uruguay 2-0. Riêng Hà Lan, Pháp phải đến giờ chót mới qua mặt Mexico và Nigeria. Còn lại năm trận khác đều phải chơi tiếp hai hiệp phụ, trong đó chủ nhà Brazil và Costa Rica rất khó khăn giải quyết trận đấu trên chấm luân lưu 11 m.

Khoảng cách của các đội tuyển quốc gia đã dần thu hẹp lại và rất khó định hình lối chơi truyền thống như kiểu Tiqui-taka của Tây Ban Nha.

Trong số các đội có ba trận toàn thắng ở vòng bảng như Hà Lan, Colombia, Argentina, Bỉ thì đến vòng 16 đội đã bộc lộ ra nhiều hạn chế cùng những chiến thắng khó. Hai ứng viên nặng ký Brazil và Đức giờ lại là hai đội lo lắng nhiều sau khi vất vả vào tứ kết.

GIA HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm