37 cảng, bến thủy nội địa ở tỉnh Quảng Ninh đang lâm vào tình trạng “chết dở” khi đồng thời một đơn vị của Bộ GTVT và một đơn vị của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh giành quyền quản lý. “Ông” nào cũng cho rằng mình đúng và giành quyền quản, thu phí…
“Chúng tôi bị Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh (thuộc Sở GTVT Quảng Ninh) và Cảng vụ Nội địa khu vực 1 thuộc Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) quản lý nên không biết nghe ai. Chúng tôi chấp hành theo các tiêu chuẩn, điều kiện do Cảng vụ khu vực 1 nhưng phía cảng vụ tỉnh lại nói như vậy là không đủ điều kiện. Tàu bè vào cảng, xuất cảng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không chỉ về khoản phí mà nhiều điều vô lý khác nhưng không biết kêu ai” - một chủ tàu thường xuyên ra, vào làm hàng ở bến xăng dầu Cẩm Đông (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) nói.
Tương tự, ông T., đại diện một chủ bến ở huyện Vân Đồn cũng bức xúc khi hai cơ quan trên lại làm một nhiệm vụ như nhau tại bến của ông.
“Xấu hổ với chủ tàu, chủ cảng”
Theo ông Mạc Văn Sáu, đại diện Cảng vụ Quảng Ninh tại Cẩm Phả, bản thân ông và một số các bộ khác khi gặp chủ tàu, chủ bến thấy vô cùng… xấu hổ. “Hai cơ quan ở hai cấp đang quản lý song song tại một số cảng, bến. Ngay cả việc thu phí cũng rất buồn cười. Đơn vị nào đến trước thì thu phí trước; đơn vị đến sau thì muối mặt đi về” - ông Sáu cười mếu.
Bến xăng dầu Cẩm Đông hoạt động lèo tèo vì hai cấp cùng “ôm”. Ảnh: Đ.TUYỀN
Ông Sáu cho rằng ông làm theo sự chỉ đạo của Sở GTVT tỉnh. Còn đại diện Cảng vụ khu vực 1 làm việc theo sự chỉ đạo, phân công của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Ông Sáu nói: “Không chấp hành thì không được nhưng sự việc đang gây ra sự chồng chéo khó hiểu”.
Tương tự, ông Đặng Quang Huy, phía Cảng vụ khu vực 1 cũng bức xúc: “Chúng tôi làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình nhưng không hiểu sao cảng vụ đường tỉnh lại chen vào”.
Ông Huy cho rằng Bộ GTVT đã có Quyết định 2861/2014 bàn giao cho tỉnh Quảng Ninh quản lý 30 cảng, bến thủy nội địa dùng xuất than ở tỉnh. “Chúng tôi đã bàn giao số cảng, bến này. Còn 37 cảng, bến khác thì nằm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia thuộc thẩm quyền quản lý của Cảng vụ khu vực 1. Lâu nay chúng tôi vẫn quản lý bình thường theo đúng Luật Giao thông đường thủy nội địa” - ông Huy nói.
Ông Huy còn cho rằng theo Thông tư 50/2014 của Bộ GTVT thì Sở GTVT các tỉnh, thành có thẩm quyền cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn. Tuy nhiên, Sở GTVT có cấp phép cho các đơn vị hay không ông không nắm vì không được gửi lại bản sao giấy phép các cảng, bến đó, dù nhiều lần có ý kiến. Hiện nay việc quản lý các cảng, bến đường thủy nội địa tại TP Cẩm Phả gặp khó khăn, gây trở ngại cho doanh nghiệp và người dân.
“Quy định bất hợp lý” nên bất tuân
Theo Thông tư 50/2014, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý các cảng, bến trên đường thủy nội địa quốc gia (theo danh mục tại Quyết định 970/2009 của Bộ GTVT). Sở GTVT các tỉnh, thành quản lý các cảng, bến trên đường thủy nội địa địa phương và cảng, bến thuộc quyền quản lý của trung ương ủy quyền cho địa phương.
Quy định cũng cho phép Sở GTVT các tỉnh, thành cấp phép cho các cảng, bến trên tuyến đường thủy quốc gia nhưng phải bàn giao cho cơ quan trung ương quản lý.
Việc phân định thẩm quyền quản lý trên đã khá rõ ràng. Tuy vậy, ở Quảng Ninh vẫn xảy ra chuyện chồng chéo như đã nêu là xuất phát từ việc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh ra quyết định giao cảng vụ tỉnh “quản lý nhà nước 37 cảng, bến” vào tháng 10-2015. Mặc dù theo Quyết định 970 và Thông tư 50 đã nêu, 37 cảng, bến trên thuộc thẩm quyền của trung ương và Quảng Ninh chưa được ủy quyền quản lý.
Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh, thừa nhận với Pháp Luật TP.HCM, khi quyết định của Sở GTVT có hiệu lực đã gây ra một số hệ lụy. “Tuy vậy, quyết định này hoàn toàn… hợp lý (?!). Đúng là Thông tư 50/2014 quy định các cảng, bến trên thuộc tuyến đường thủy nội địa quốc gia là do trung ương quản lý. Nhưng điều này dẫn đến bất hợp lý là Sở GTVT không thể cấp phép hoạt động cho các cảng, bến rồi “dâng” cho cơ quan trung ương. Chúng tôi cấp phép thì phải được quyền quản lý” - ông Thắng khẳng định.
PV đặt vấn đề, quy định là phải tuân thủ, nếu bất cập thì kiến nghị điều chỉnh. Việc này cũng nhằm đảm bảo không gây phiền toái cho hoạt động của các chủ cảng bến, các chủ tàu thì ông Thắng cho rằng: “UBND tỉnh Quảng Ninh có thẩm quyền ngang bộ nên việc Sở GTVT thực hiện các nhiệm vụ được tỉnh phân công. Do vậy, khi UBND tỉnh có văn bản thì chúng tôi thực hiện theo chứ không thể theo văn bản của Bộ GTVT được” (?!).
“Chúng tôi không làm gì trái...”
PV đặt vấn đề với ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, việc quản lý chồng chéo ở 37 cảng, bến thì ông Khánh nói: “Việc đó do chuyên môn phụ trách”. Liên hệ ông Mạc Văn Giểng, Phó Giám đốc Sở GTVT thì ông Giểng khẳng định: “Cấp trung ương và địa phương có thẩm quyền quản lý cảng, bến nhưng nếu Sở GTVT cấp phép thì cảng, bến đó phải thuộc thuộc quyền quản lý của Sở GTVT”.
Theo ông Giểng, sắp tới Sở GTVT sẽ họp với Bộ GTVT về việc này. Ông Giểng nói: “Tất cả phải giao cho địa phương. Chúng tôi không làm gì trái. Nếu ai thích ôm thì cứ cho ôm”.
PV nhiều lần liên lạc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh để trao đổi về chỉ đạo của tỉnh đối với việc Sở GTVT “chống lệnh” cấp trên, gây ra khó khăn cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp song không nhận được ý kiến phản hồi.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh giao Cảng vụ tỉnh quản lý nhà nước 37 cảng, bến đang được Cảng vụ khu vực 1 quản lý. Chúng tôi chưa hề bàn giao việc quản lý nhà nước cho Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh nên không thể nói họ có quyền quản các cảng, bến đó. Ông HOÀNG VĂN HÀ, Trưởng phòng Cảng, bến của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 1 |