Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, đến cuối ngày 28-7, mưa vừa đến to tiếp tục xảy ra ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn. Mưa lịch sử kéo dài ở Quảng Ninh đã nhấn chìm hơn 2.000 căn nhà ở tỉnh, làm chết và bị thương hàng chục người.
Tang thương
Đến 17 giờ ngày 28-7, người dân ở TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) vẫn chưa hết bàng hoàng về những con số thương vong trên địa bàn. Đau lòng nhất là cảnh tang thương đã xảy ra đối với gia đình bà Nguyễn Thị Thược (phường Cao Thắng, TP Hạ Long). Gia đình này gồm bà Thược (76 tuổi) cùng gia đình hai con trai.
Nơi gia đình bà Thược sinh sống ở khu vực đồi núi. Rạng sáng 28-7, trong lúc mọi người đang ngủ say thì đất ở đồi sạt xuống, lấp toàn bộ ba căn nhà của bà Thược và hai con trai. Khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ đến đào bới mới tìm thấy anh Cao Tiến Vỹ còn sống nên đã đưa đi cấp cứu. Tuy vậy, vợ anh Vỹ (chị Đỗ Thị Hiên, 36 tuổi) cùng con nhỏ anh Vỹ đã tử vong. Trong khi đó, con trai lớn của anh Vỹ (vừa học xong 12 và chuẩn bị thi đại học) cùng nhiều người thân khác đến tối cùng ngày mới tìm được thi thể.
Như vậy, gia đình ba thế hệ có chín người này thì có đến tám người (gồm bà Thược, con trai lớn, hai con dâu và bốn cháu nội) đều đã tử vong. Người sống sót còn lại là anh Vỹ thì bị chấn thương sọ não.
Tại khu 5, phường Bãi Cháy (Hạ Long) mưa lớn cũng làm sập một căn nhà, làm hai công nhân của một nhà máy in cùng phường đang ngủ trong nhà cũng tử vong. Đến đầu giờ chiều 28-7, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể hai nạn nhân. Tương tự, sáng sớm 28-7, trong lúc bà Hà Thị Phúc (khu 5, phường Hồng Hải, Hạ Long) cứu giúp con rể bị nước cuốn đã bị trượt chân. Bà Phúc bị trượt chân rồi bị nước cuốn trôi. Trong cả buổi sáng, cơ quan chức năng và người dân cật lực tìm kiếm vẫn không thấy. Cho đến 15 giờ 30, khi những chiếc xe máy xúc được huy động lật các cống quanh hiện trường mới tìm được thi thể của bà Phúc.
Hàng trăm người được huy động tìm kiếm thi thể các nạn nhân bị vùi lấp. Ảnh: BÁO QUẢNG NINH
Dồn nỗ lực cứu dân
Trước diễn biến bất thường, TP Cẩm Phả đã huy động gần 2.000 người cứu hộ, di dời hơn 1.000 hộ dân đến nơi an toàn. Tại huyện Cô Tô, nhiều tuyến đường, bờ kè biển bị sạt lở, hàng chục ngôi nhà bị ngập lụt và một ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn do mưa lũ. Mưa lũ tiếp tục “giam” khoảng 1.500 du khách ở huyện đảo này và UBND huyện Cô Tô đã điều động 300 cán bộ, chiến sĩ quân đội, biên phòng và thanh niên cứu hộ, cứu nạn…
Tính đến khoảng 14 giờ, UBND Quảng Ninh ước tính tổng thiệt hại do mưa lớn gây ra từ ngày 26 đến ngày 28-7 là gần 1.000 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, đã yêu cầu toàn tỉnh dừng tất cả công việc, các cuộc họp để tập trung cho khắc phục hậu quả. Ngoài ra, ông Đọc chỉ đạo tỉnh trích 15 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả.
Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trước tình hình cực kỳ khẩn cấp của mưa lũ, tỉnh huy động mọi lực lượng, dồn sức cho việc cứu hộ, cứu nạn, di chuyển người dân đến nơi cao an toàn và cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu.
Chiều 28-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết Bộ Quốc phòng đã triển khai các phương án, tăng cường lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ di chuyển đưa người dân đến nơi an toàn.
Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ Ngày 28-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có công điện yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 3 và các lực lượng đóng quân trên địa bàn khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân tỉnh Quảng Ninh sớm ổn định cuộc sống người dân nơi đây. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với người dân bị tác động và chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị thiệt mạng. Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ dân còn bị cô lập, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, đảm bảo không để người dân bị đói, khát. |