Bí thư Thăng: Học sinh học 2 buổi sao phải học thêm?

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết toàn TP hiện có 2.168 cơ sở giáo dục với 43.740 lớp từ mầm non đến THPT. Toàn TP có hơn 1,7 triệu học sinh (HS) từ mầm non đến THPT với hơn 83.000 giáo viên giảng dạy.

Gần 100% nhà trường tự chủ tài chính

Về vấn đề tự chủ tài chính, ông Sơn cho hay toàn TP có 1.325/1.326 đơn vị thực hiện tự chủ tài chính, chiếm 99,92%. Trong đó có năm đơn vị tự đảm bảo hoàn toàn chi phí hoạt động. Về công tác xã hội hóa ở các trường công lập, theo ông Sơn, mỗi năm TP dành hơn 26% vốn ngân sách cho việc chi thường xuyên và chi cho đầu tư xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo, nâng cấp trường học. Tuy nhiên, ngân sách này chưa đủ để đảm bảo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn về trường lớp.

iám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn đang báo cáo tại buổi làm việc

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn đang báo cáo tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy. Ảnh: P.ANH

Trong các nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, xây dựng trường lớp, ngân sách nhà nước chiếm khoảng 60%, vốn vay từ quỹ đầu tư và từ các nguồn khác khoảng 15% và vốn xã hội hóa chiếm 25%.

Ngoài học phí, cha mẹ HS các trường đã tự nguyện đóng góp tài trợ hoạt động dạy và học, trang bị cơ sở vật chất, trung bình hằng năm khoảng 450 tỉ đồng.

Cơ cấu của khoản chi nguồn tài trợ của cha mẹ HS thường bao gồm: Các hoạt động thường xuyên phục vụ việc học tập của HS; quỹ khen thưởng cho HS cuối kỳ, cuối năm học; hỗ trợ thăm hỏi, ốm đau, các hoạt động đột xuất trong lớp, trường; đóng góp cải thiện cơ sở vật chất, mua sắm nhỏ phục vụ trường, lớp học, sửa chữa nhỏ trường lớp...

HS béo phì vì không còn thời gian tập thể thao

Về vấn đề HS học hai buổi/ngày, ông Sơn cho biết toàn TP hiện nay có 80% HS ở tiểu học được học hai buổi/ngày, mầm non đạt gần 100%, riêng THCS và THPT còn rất thấp vì không đảm bảo đủ cơ sở vật chất.

Theo ông Sơn, ngành giáo dục TP phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 80% HS được học hai buổi/ngày. Để làm được, TP phải phấn đấu đầu tư xây dựng trường lớp đảm bảo 300 phòng học/10.000 dân, với sĩ số 30-35 HS/lớp.

Về vấn đề này, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng ngành giáo dục muốn đạt được chỉ tiêu như vậy thì phải đi kèm với các điều kiện để thực hiện chứ không phải đề ra rồi thôi, phải tạo sự phấn đấu cho cả ngành và các đơn vị.

Và đặc biệt là HS đã học hai buổi/ngày thì tại sao vẫn phải đi học thêm buổi tối, như thế là không được. Ở Nhà Bè chẳng hạn, HS đã được học hai buổi nhưng vẫn còn tình trạng phải đi học thêm. Điều này cần phải xem lại.

Bí thư Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM sáng 23-2.

Bí thư Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM sáng 23-2. Ảnh: P.ANH

Theo ông Thăng, hiện nay nhiều HS than học nhiều quá, vậy kế hoạch giảm tải của ngành giáo dục như thế nào?

"Tôi đi nhiều trường thấy HS béo phì nhiều quá. Điều đó cho thấy một là chưa có điều kiện, hai là chưa được quan tâm. Các em còn phải học quá nhiều thì thời gian đâu mà luyện tập thể thao. Ngành phải xem lại chứ HS đã học cả ngày mà còn phải học thêm buổi tối thì sao được" - Bí thư Thăng nói.

Theo Bí thư Thăng, ngành giáo dục phải làm sao để HS được tập luyện thể dục thể thao. Nhất là bơi lội phải làm sao để đảm bảo 100% HS biết bơi, kể cả thầy cô giáo.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho biết thực ra giáo dục của TP hiện nay đã có sự thay đổi, giảng dạy không chỉ cung cấp kiến thức mà rèn luyện kỹ năng, hướng dẫn tự học.

Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên chưa dám đổi mới, sợ HS không tiếp thu được kiến thức. Vì thế, Sở thường xuyên yêu cầu các trường phải đổi mới phương pháp, thậm chí chủ động xây dựng giáo án phù hợp hơn với HS.

Về phổ cập bơi, ông Hiếu cho biết đầu năm 2017, tại TP có 81 hồ bơi tại các trường, tập trung chủ yếu ở nội thành, ngoại thành ít. HS biết bơi ở tiểu học đạt 41%, trung học có 61%. Nhiều trường lắp đặt hồ bơi di động để dạy bơi cho HS, chủ yếu giúp HS biết đứng nước. 

Đừng để HS là "nô lệ" của chương trình học

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo ngành giáo dục phải đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa để kêu gọi đầu tư của nhân dân cho sư phát triển của giáo dục. Tuy nhiên, tự chủ phải có lộ trình, công khai, minh bạch, và tạo sự đồng thuận của phụ huynh, không gây băn khoăn và bức xúc cho phụ huynh.

Đồng thời, Bí thư yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu cơ chế, chính sách trả lương cho giáo viên, không cào bằng, phải đãi ngộ xứng đáng mới thu hút được người giỏi. Ngành phải có lộ trình giảm tải chương trình cho HS vì hiện nay HS phải học và thi quá nhiều. "Chúng ta phải tạo điều kiện để HS được vui chơi, giải trí và rèn luyện thể dục thể thao, không để HS trở thành "nô lệ" của chương trình học. Ngành cũng phải tiến tới chấm dứt dạy thêm học thêm tràn lan gây tiêu cực và trái quy định từ nay đến năm 2020. Còn việc phụ đạo HS yếu và bồi dưỡng HS giỏi là trách nhiệm của các trường phải làm".

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm