Sáng 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của chánh án TAND Tối cao, VKSND Tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của Ủy ban Thường vụ QH về chất vấn tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao thái độ nghiêm túc của Chính phủ và các cơ quan tư pháp trong việc trả lời các kiến nghị cử tri và chất vấn của QH. “Bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng, Chính phủ rất cầu thị lắng nghe ý kiến của các đại biểu QH. Chúng tôi hoan nghênh sự cố gắng của Chính phủ và các cơ quan tư pháp” - bà Nga nói.
Nghi vấn độc quyền của NXB Giáo dục
Cũng theo chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, có những lĩnh vực luôn “nóng” qua đời các bộ trưởng như vấn đề y tế, giáo dục...; có những vấn đề tồn tại cả chục năm, không thể giải quyết trong một, hai ngày. “Chúng tôi rất chia sẻ việc ấy” - bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Giáo dục rà soát lại quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để ngăn chặn các tiêu cực phát sinh. “Qua phiên họp Thường vụ vừa rồi và báo chí cũng nói rất nhiều, chúng tôi băn khoăn về sách giáo khoa (SGK) và sự lãng phí trong in ấn SGK” - bà Nga nói thêm.
“Chúng tôi nghe thông tin từ dư luận, cử tri, chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Chính phủ làm rõ: Có câu hỏi, nghi ngại xung quanh việc độc quyền trong hoạt động của NXB Giáo dục. Tại sao bây giờ khác các thế hệ trước, một bộ sách không dùng được hai, ba thế hệ?” - bà Nga đặt câu hỏi.
Cầm trong tay cuốn sách toán lớp 1, bà Nga nói: "Trước đây bài tập riêng, SGK riêng. Bây giờ toán lớp 1 luyện tập chung với SGK, các cháu làm bài tập, nối hình, kẻ thêm hình, ghi bài tập vào trong đó. Như thế đương nhiên là khóa sau không dùng được.
“Chúng tôi phản ảnh lại ý kiến của cử tri chuyển đến bộ trưởng GD&ĐT là lý do tại sao? Mỗi một năm khoảng 100 triệu bản SGK, xã hội mất khoảng 1.000 tỉ đồng nhưng đến năm sau không dùng được nữa. Tại sao chúng ta lại ghi bài tập luôn trong SGK?” - bà Nga nói. Đồng thời cũng phản ánh lại những nghi ngại xung quanh việc độc quyền xuất bản của NXB Giáo dục và đề nghị bộ trưởng GD&ĐT làm rõ.
Có biểu hiện lợi ích nhóm không?
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng chia sẻ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với hình ảnh so sánh “trồng cây ăn quả, thời gian cây trồng lớn lên nó cũng có thể gặp vấn đề a, vấn đề b nhưng phải chờ đến ngày ăn quả”. Tuy nhiên, bà Hải mong Bộ trưởng Nhạ quan tâm tới tình trạng phát hành SGK sử dụng một lần.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.
“Tôi trực tiếp nói với bộ trưởng khóa trước, nhiều đại biểu, cử tri cũng nói nhưng các anh cứ nói đấy không phải SGK mà chỉ là sách bài tập, tham khảo. Cá nhân tôi không muốn giơ ra nhiều sách, như sách lớp 4, rồi sách lớp 1 như chị Nga vừa đưa ra. Rất nhiều sách có nhiều ô trống, ô vuông, đường nối, kéo...” - bà Hải dẫn chứng.
Theo bà Hải, dù SGK này chỉ 10.000-12.000 đồng, nhưng với 15,6 triệu học sinh hiện nay thì việc này ảnh hưởng đến muôn nhà.
“Đề nghị bộ trưởng quan tâm tổ chức thanh tra ngay vấn đề này. Có biểu hiện gì ở đây, thể hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành sách hay không?” - bà Hải nói và cho biết rất nhiều trường cho học sinh viết bằng bút chì vào sách để tẩy đi, sang năm dùng tiếp.
Ngoài ra, trưởng Ban Dân nguyện cũng nêu nghi vấn: “Có hay không việc ép học sinh mua sách tham khảo? Có phụ huynh nhắn tin cho tôi nói là sách tham khảo mua từ đầu năm, cuối năm không dùng gì cả, còn mới tinh” - bà đề nghị bộ trưởng GD&ĐT cho tổng kết, đánh giá việc này.
Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình nhận xét: Lĩnh vực giáo dục thời gian qua có nhiều thành quả, làm được nhiều việc, nhưng xưa nay đây cũng là lĩnh vực “có nhiều xao động trong xã hội”.
Liên quan đến SGK, theo ông Bình, theo luật định, chúng ta đang có một chương trình giao về cho Bộ Giáo dục và NXB Giáo dục phát hành. “Đây là hiện tượng hình như vi phạm pháp luật về độc quyền. Ủy ban đã giám sát trong năm 2018 về vấn đề xuất bản SGK” - ông Bình nói và cho biết sẽ công bố kết quả giám sát về vấn đề phát hành SGK này vào cuối năm. Tuy nhiên, hiện nay Bộ GD&ĐT đã có chỉnh sửa, không phải chỉ có một NXB Giáo dục in và phát hành sách.
“Lĩnh vực giáo dục đang chiếm tới 20% ngân sách, vậy cần phải xem con số này đang được vận hành thế nào? Hiệu quả thế nào? Ai đánh giá việc thực hiện này?” - ông Bình nói thêm và khẳng định giáo dục đối tượng là con người, là tương lai của đất nước, là dịch vụ đặc biệt, mọi sự tác động đến giáo dục cần nghiêm túc, thận trọng.
Tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng Liên quan đến lĩnh vực tư pháp, theo bà Nga, mảng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án từ đầu khóa tới nay chưa có giám sát chuyên đề (chuyên đề giám sát về oan sai ở QH khóa XIII). Bà Nga đề nghị bộ trưởng Công an, trưởng hai ngành TAND và VKSND, kể cả thi hành án, có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tội phạm ngay chính trong lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm củng cố niềm tin của người dân. “Xuất hiện tình trạng tham nhũng nằm ngay trong chính cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng” - bà Nga nói và dẫn lại vụ việc khởi tố, bắt nguyên chánh án TAND tỉnh Phú Yên về hành vi tham ô và một số vụ án vừa qua trong lực lượng công an. Cạnh đó, bà Nga cũng đề nghị tổng kiểm tra việc mua bán, chuyển nhượng tài sản, nhà đất đối với các tỉnh/TP lớn trong cả nước... |