"Lò thủ khoa" Nguyễn Khuyến: Thầy - trò luôn thách thức nhau “vượt rào”

Sau 15 năm hoạt động, từng có nhiều năm được xếp thứ nhất trong tốp 200 trường THPT chất lượng tốt nhất cả nước nhưng Ban giám hiệu trường cũng khá bất ngờ về kết quả này. Danh sách thủ khoa, á khoa cứ dài thêm mỗi ngày.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Yên Chi, Phó Hiệu trưởng nhà trường, về những “bí quyết” giúp trường có được thành tích đáng nể như trên.

Từng dùng kỷ luật thép

. Nhiều trường công lập hàng đầu của cả nước đang trầm trồ rằng Trường Nguyễn Khuyến TP.HCM đã bội thu thủ khoa. Chất lượng đào tạo đó đã được nâng cao bằng cách nào, thưa bà?

+ Bà Nguyễn Yên Chi: (Cười) Để đạt được thành tích hôm nay là cả quá trình nỗ lực của đội ngũ sư phạm. Trường thành lập năm 1996, chủ yếu tuyển những học sinh cá biệt, có học lực yếu, đạo đức kém. Lúc mới hoạt động có học sinh chửi, đánh lại cả thầy giáo. Ban giám hiệu rất đau đầu và nhà trường bắt đầu siết bằng kỷ luật thép. Nhờ vậy đạo đức các em tiến bộ hẳn lên, đội ngũ giáo viên bắt đầu yên tâm chú trọng chất lượng dạy và học. Sau năm năm đầu hoạt động, nhà trường rút ra kinh nghiệm là không dùng kỷ luật thép nữa mà dùng tình cảm thầy trò, chia sẻ nhau nên các em biết vâng lời hơn. Hiệu quả dạy và học từ năm 2001 đến nay cũng đã chứng minh hướng đi đúng của chúng tôi.

. Để đạt chất lượng giáo dục như ngày hôm nay, theo bà là nhờ đội ngũ sư phạm hay chất lượng đầu vào của học sinh?

+ Tôi cho là cả hai. Chúng tôi tuyển giáo viên giỏi từ các tỉnh về, họ thật sự yêu nghề, thương học trò hết mực. Còn học sinh thì nỗ lực học tập hết mình. Quá trình dạy và học này như hai chiến tuyến thách thức nhau cùng tiến bộ. Thầy thì truyền đạt hết kiến thức của mình và luôn học hỏi cái mới, cái sáng tạo từ học sinh. Học sinh cứ có vướng mắc gì cũng hỏi thầy và cùng thầy tìm hiểu đến nơi đến chốn. Lâu dần, các em tích lũy kiến thức tốt, nhớ lâu và vận dụng hiệu quả.

"Lò thủ khoa" Nguyễn Khuyến: Thầy - trò luôn thách thức nhau “vượt rào” ảnh 1

Học sinh lớp 12 của Trường Dân lập Nguyễn Khuyến năm học 2010-2011 trong một buổi chia tay thời học sinh. Ảnh: QV

Luyện “gà”, “gà” phải tốt!

. Với cách thi cử hiện nay, có ý kiến cho rằng các trường đang dạy theo kiểu luyện “gà”, bà nghĩ sao?

+ Với cách dạy và học như hiện nay, học sinh trường công cũng như trường tư đều phải tự tầm sư học đạo. Học sinh trường công thường tìm đến thầy giỏi, các trung tâm luyện thi. Trường Nguyễn Khuyến thì tự xây dựng lực lượng, đội ngũ sư phạm vững mạnh tại trường. Với quy mô lớp học vừa phải, thầy-trò như những người anh, người chị trong gia đình, học trò “bí” chỗ nào cũng có thể hỏi thầy mọi lúc mọi nơi, hỏi trực tiếp hoặc qua các phương tiện thông tin: điện thoại, yahoo messenger… nên học sinh trong trường tự tin hẳn lên.

Đội ngũ sư phạm của trường không giấu kiến thức, thiếu thì tự học hỏi, trau dồi thêm, biết thì truyền đạt cho trò. Giáo viên nếu bị học trò chê cách dạy chưa hay sẽ không mất tinh thần mà quyết tâm chinh phục học sinh của mình bằng cách học hỏi và áp dụng phương pháp giảng dạy từ các đồng nghiệp giỏi. Giáo viên cũng luôn đòi hỏi học sinh không được bằng lòng với chính mình, hôm nay đạt điểm khá thì hôm sau phải đạt điểm giỏi. Giáo viên chủ nhiệm theo dõi kết quả học tập của học sinh mình qua giáo viên bộ môn. Giáo viên quản nhiệm thì đốc thúc không cho phép học sinh lười biếng. Lâu dần mọi thứ cũng thành nếp và các em cùng nhau phấn đấu để đạt kết quả tốt nhất.

. Vậy chất lượng học sinh đầu vào được tuyển lựa ra sao, thưa bà?

+ Trường Nguyễn Khuyến là trường tư thục, đầu vào tuyển sinh của trường trước tiên căn cứ vào học bạ và điểm số thi tuyển lớp 10. Tuy nhiên, các điểm số này chỉ mang tính tham khảo. Để vào lớp 10 trường này, học sinh phải đăng ký học tại trường sáu tuần. Thời gian này trường kiểm tra kiến thức các môn toán, Anh văn, văn, lý, hóa… mỗi tuần hai lần. Hết sáu tuần, thầy cô sẽ đánh giá chất lượng học sinh đạt được và lên kế hoạch tuyển. Học sinh vào Trường Nguyễn Khuyến là những học sinh đã nắm vững kiến thức căn bản. Kiến thức này sau đó sẽ được thầy cô bồi dưỡng, nâng cao trong suốt ba năm THPT.

Xin cảm ơn bà.

Học luôn phần của anh

Thủ khoa Hồ Bảo Trung, thủ khoa ĐH Ngoại thương Cơ sở 2 TP.HCM với số điểm 28,5, cho biết: “Năm học 2008-2009, em thi tuyển vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền đạt 41 điểm, còn thiếu nửa điểm mới đậu. Tuy đủ điểm vào Trường THPT Phú Nhuận nhưng em xin bố mẹ cho học Trường Dân lập Nguyễn Khuyến”.

"Lò thủ khoa" Nguyễn Khuyến: Thầy - trò luôn thách thức nhau “vượt rào” ảnh 2

Thủ khoa Hồ Bảo Trung đạt 28,5 điểm vào Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM. Ảnh: QV

Nhà có hai anh em nhưng anh của Trung bị bệnh bại não, không học hành đến nơi đến chốn. Thương anh và ba mẹ nên Trung học luôn phần anh với suy nghĩ sau này sẽ chia sẻ một phần kém may mắn của anh. Gia cảnh khá giả nhưng anh Hồ Đức Sơn (bố Trung) cho biết suốt ba năm học THPT, Trung chỉ toàn đi học bằng xe đạp, không đua đòi ăn chơi.

Trung thi hai trường ĐH Ngoại thương và ĐH Y Dược TP.HCM. Sau khi làm bài, Trung đánh giá mình đạt 28 điểm ở ĐH Ngoại thương (thực tế em đạt tới 28,5 điểm), còn ĐH Y Dược TP.HCM thì em tự đánh giá mình đạt 27 điểm (trường này chưa công bố điểm thi). Trung cho biết em sẽ chọn học Ngoại thương để có cơ hội du học ở nước ngoài.

QUỐC VIỆT thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm