Đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ (TS) với kinh phí 12.000 tỉ đồng tiếp tục làm nóng dư luận. Pháp Luật TP.HCM ghi nhận các ý kiến góp ý về đề án này.
Tại sao lại cứ phải đào tạo TS như vậy?
Bây giờ chúng ta vẫn theo mẫu hình xây dựng các trường ĐH trong khi cách mạng 4.0 đã đến nơi rồi. Tôi lấy hai câu chuyện thế này.
Thứ nhất, thủ tướng Áo mới ngoài 30 tuổi, không có bằng ĐH mà vẫn làm được những việc như thế. Thứ hai, tôi có anh lái xe mới học hết phổ thông nhưng rồi vì tự ái khi bị chê không có bằng ĐH, anh ta đã đi học và thực sự thì đi mua bằng thông qua hình thức hàm thụ.
Nhưng một ngày, tôi phát hiện lái xe của tôi là một thợ sửa flycam rất giỏi, khách nước ngoài cũng tìm đến. Tôi hỏi anh ta học ở đâu. Anh trả lời là học trên mạng.
Vậy tại sao ta không khai thác tài nguyên mạng đi? Ở đó ta có thể tiếp xúc với những người thầy giỏi nhất thế giới mà không có tiền nào trả được.
Bằng cấp cũng vậy thôi, tại sao cứ phải đầy đủ như thế? Không có bằng cấp nào hơn là bằng cấp do học hỏi ở bất cứ đâu và có tiêu chí định lượng chuẩn mực bằng công việc. Tôi rất trân trọng những đồng nghiệp có bằng cấp, chỉ có điều để có bằng cấp ấy thì rất tốn kém, mà tốn kém nhất là thời gian, 5-7 năm để lấy một tấm bằng TS trong khi hoàn toàn có thể tự học để bằng người ta.
Tôi cho rằng vấn đề đào tạo TS phải có cái nhìn thực tiễn. Ai cũng thấy cái “dớp” của chúng ta là chủ nghĩa bằng cấp nhưng tôi không hiểu tại sao lại cứ phải đào tạo TS như vậy. Chúng ta phải phân định ra ở đâu cần TS và ở đâu không cần. Chẳng hạn như với quan chức thì trước hết họ cần có phẩm chất của công chức, tính chuyên nghiệp của nhà chính trị chứ không cần TS.
Trong cơ chế hiện nay, với những chỉ tiêu phổ quát cho các trường ĐH thì có lẽ việc đào tạo TS cũng là điều nên chấp nhận. Nhưng cũng phải quan tâm một khía cạnh khác rằng: Chúng ta có cần nhiều ĐH đến thế này không? Có cần biến ĐH thành phổ thông trung học cấp 4 hay không? Hay chỉ cần sự học tập chuyên cần, tính chuyên nghiệp như anh lái xe của tôi?
Còn nếu cần nguồn nhân lực 9.000 TS để phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục thì phải tính xem nguồn nhân lực ấy sẽ sản sinh ra cái gì. Chúng ta đã đào tạo ra bao nhiêu cử nhân nhưng hiện hàng trăm ngàn cử nhân đang thất nghiệp. Thế rồi lực lượng TS ấy sẽ như thế nào khi hệ thống giáo dục hiện nay vẫn đang phải nghĩ ra đề tài, nghĩ ra các công trình để tồn tại? Chúng ta cần phải thấy được bản chất vấn đề để nhận ra đâu là lợi ích riêng, đâu là những tiêu chí, tiêu chuẩn nằm trong tổng thể.
Đại biểu Quốc hội DƯƠNG TRUNG QUỐC
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng KH&CN, nghe giới thiệu các sản phẩm tại triển lãm sản phẩm sáng tạo và kết nối doanh nghiệp ở ĐH Bách khoa TP.HCM (ĐH QG TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
Chỉ mới giải quyết vấn đề đào tạo
Đào tạo TS chất lượng cao là việc cần làm và việc làm đề án để triển khai cũng hết sức cần thiết. Tuy nhiên, khi làm đề án này cần rút kinh nghiệm từ các đề án trước (Đề án 233, 911) để đánh giá thành công và chưa thành công như thế nào, từ đó điều chỉnh đề án mới phù hợp hơn.
Đề án chỉ là một phần để nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý các cơ sở giáo dục là chưa đủ vì dừng ở đây thì chỉ mới giải quyết vấn đề đào tạo. Còn để phát triển đội ngũ TS đó như thế nào phải có chính sách, đề án khác đi kèm, giúp các TS đào tạo xong có môi trường làm việc tốt. Ở đây cần làm rõ thêm các chính sách đi kèm với đào tạo TS như thế nào, điều kiện, tiêu chí ra sao cần sự minh định cụ thể.
Mọi người cũng nói nhiều về số tiền 12.000 tỉ đồng và 9.000 tiến sĩ, nếu chỉ nêu con số chung chung thì quả thật rất lớn nhưng để đầu tư vào việc phát triển đội ngũ khoa học thì con số ấy không nhiều. Và so với các công trình, đề án khác thì con số này khiêm tốn hơn, nếu hướng phát triển tốt, khả thi thì cần phải chi cho khoa học nhưng kế hoạch phải rõ ràng, cụ thể.
Tôi ủng hộ những đề án về giáo dục như thế nhưng phải có kế hoạch, điều kiện rõ ràng, kỹ lưỡng và có những đề án đồng hành để đảm bảo sau khi đào tạo xong, đội ngũ TS sẽ phát huy hiệu quả quản lý, nghiên cứu.
TS NGUYỂN QUỐC CHÍNH, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP.HCM
Đề án 911 được phê duyệt vào năm 2010, khởi động từ tháng 8-2011, chính thức tuyển sinh từ năm 2012, dừng tuyển sinh năm 2017. Theo Bộ GD&ĐT, Đề án 911 vạch ra lộ trình đến năm 2020 bổ sung được 23.000 TS mới (gồm 10.000 TS đào tạo trong nước, 10.000 TS đào tạo nước ngoài và 3.000 TS theo phương thức đào tạo phối hợp). Đối với đào tạo trong nước, tính đến năm 2016, có 2.050 nghiên cứu sinh. Đối với đào tạo ở nước ngoài, đề án mới tuyển hơn 2.900 ứng viên/10.000 TS, chỉ đạt hơn 29% chỉ tiêu. Đáng nói, trong số ứng viên đã trúng tuyển, đến hết năm 2016, đề án mới làm thủ tục cử đi học được gần 2.000 người. Còn hơn 900 ứng viên trúng tuyển chưa đi học nhưng chỉ có khoảng 400 người làm thủ tục đi học trong năm 2018. Các ứng viên khác không tiếp tục tham gia đề án vì nhiều lý do (đã trúng tuyển chương trình học bổng chính phủ các nước có điều kiện tốt hơn Đề án 911, ứng viên không đáp ứng đủ điều kiện ngoại ngữ của phía cơ sở đào tạo nước ngoài, không tìm được giáo sư hướng dẫn hoặc hết thời hạn của học bổng...). Tuy nhiên, hiệu quả thấp nhất trong đề án lại thuộc về hình thức đào tạo phối hợp. Đề án 911 đặt ra mục tiêu đào tạo 3.000 TS theo hình thức này. Thực tế, chỉ tiêu được giao là hơn 1.300 nhưng số nghiên cứu sinh trúng tuyển vỏn vẹn 27 người (đạt 2%). Thế nhưng có đến 23 nghiên cứu sinh sau đó đã bỏ học! Nguyên nhân theo Bộ GD&ĐT, do kinh phí hỗ trợ thấp, các cơ sở đào tạo trong nước không có khả năng để liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài, mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy... |