Thầy cô giáo cần biết kiềm chế nóng giận

Năm học 2017-2018, hàng loạt vụ bạo lực học đường như vụ cô giáo dạy toán ở Nhà Bè (TP.HCM) không giảng bài trong suốt gần bốn tháng lên lớp; Thầy giáo dạy văn ở Phú Nhuận (TP.HCM) nhục mạ học sinh; Một cô giáo tiểu học ở Hải Phòng bắt học sinh lớp 3 uống nước giẻ lau bảng vì lỗi nói chuyện trong lớp... Tất cả những sự việc trên đều gây bức xúc, phẫn nộ  trong dư luận

Mới đây nhất, dư luận xã hội lại “dậy sóng” bởi cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (Trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) cho 23 học sinh tát 230 cái vào má em HLN khiến em này phải nhập viện cấp cứu.

Học trò lkhông ngoan, ngỗ ngược ở trường nào cũng có. Nhưng thầy cô giáo nóng tính, thiếu kiềm chế có hành động bạo lực, xúc phạm, làm tổn thương đến tinh thần, sức khỏe học trò như thế là không thể chấp nhận được.

Thầy cô có hành vi bạo lực, đánh học trò xảy ra trong thời gian qua cũng chỉ là cá biệt, song lại gây ảnh hưởng xấu, tạo hình ảnh không đẹp về người thầy.  Sau khi xảy ra sự việc, cũng không ít người thường đưa ra hàng loạt  lý do để bao biện cho hành vi sai trái của đồng nghiệp như:  áp lực thi đua, thành tích lớn, học sinh hư hỏng nhiều, thầy cô cũng là con người có thể mắc sai lầm, đánh học trò để giáo dục, thương cho roi cho vọt…

Tuy nhiên, càng bao biện, càng bênh vực như thế thì chỉ càng “làm hư” nhà giáo mà thôi. Tôi cũng là thầy giáo, rất thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của đội ngũ thầy cô  trong việc giáo dục con trẻ hôm nay, khi mà bối cảnh xã hội, giá trị đạo đức có nhiều đổi thay. Nhưng mỗi nhà giáo cần xác định rõ ràng một khi đã dấn thân vào  sự nghiệp trồng người thì phải biết chấp nhận, kiềm chế bực tức, tuyệt đối không được xúc phạm học sinh, kiên trì các biện pháp mang tính sư phạm, giáo dục, nhân văn.

Ngành giáo dục từng ban hành các quy định rõ ràng, chặt chẽ, phát động các phong trào rất ý nghĩa: không vi phạm đạo đức nhà giáo, trường học thân thiện, học sinh tích cực… hướng tới chuẩn hóa giáo viên. Thầy cô giáo luôn là tấm gương đẹp, thân thiện, yêu thương học trò. Chắc chắn các thầy cô đều biết cả. Thế nhưng một số người vẫn cứ vi phạm, bất chấp quy định của ngành.  

Nói thì dễ, làm mới khó. Mỗi người thầy, người cô phải tự rèn giũa, soi rọi bản thân từng ngày để có cách ứng xử linh hoạt, khéo léo, phù hợp từng đối tượng học sinh. Thực tế cho thấy học sinh cá biệt có hành vi xúc phạm, hành hung thầy cô phần lớn rơi vào số giáo viên trình độ, năng lực giảng dạy chưa tốt. Phương pháp xử lý tình huống còn quá cứng nhắc, nặng nề, thiếu kiềm chế nên đã có những lời lẽ chửi bới, xúc phạm quá đáng đến học sinh. Điều đó dẫn đến có  học sinh phản ứng tiêu cực lại thầy cô giáo.

Ở trường lớp, thầy cô giáo có tâm tính, tư cách ra sao, học sinh đều rõ hết. Nói như vậy để thấy rằng, thái độ ứng xử của học sinh còn phụ thuộc rất nhiều vào bản thân từng thầy cô. Mỗi giáo viên đều phấn đấu trở thành giáo viên giỏi, biết lắng nghe, tôn trọng, luôn công tâm trong đánh giá, xử lý tốt mọi tình huống thì nhất định sẽ giảm thiểu được tình trạng căng thẳng, khó xử trong giờ học.

Tôi nghĩ các trường sư phạm cũng nên đặt ra những quy chuẩn riêng về năng lực, phẩm chất đầu vào đối với sinh viên. Trong quá trình đào tạo cần chú ý giáo dục, hình thành “cái tâm” chuẩn mực, vững vàng của thầy cô giáo tương lai.  Có vậy khi làm nghề  mới bớt đi những việc đáng tiếc, đau lòng.

Mặt khác, vai trò, chức năng quản lý, kiểm tra của ban giám hiệu, cấp trên cũng rất quan trọng. Nơi nào cán bộ quản lý trách nhiệm, sâu sát thì nơi ấy hiếm có chuyện giáo viên bị vi phạm đạo đức nhà giáo. Quan trọng hơn là cần mạnh tay, kiên quyết  loại bỏ, sa thải ra khỏi ngành hoặc khởi tố hình sự đối với những giáo viên bạo hành học trò, công khai sự việc lên các phương tiện đại chúng để mọi người biết, để những thầy cô giáo khác thấy mà sợ, mà tự chỉnh đốn mình. 

  

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm