Lâu rồi có câu chuyện "Phạt uống nước giẻ lau bảng". Mới đây lại là "Cô giáo phạt 231 cái tát học sinh đến phải nhập viện",...
Ai cũng hiểu đó là những hình phạt có tính chất bạo lực, xúc phạm, bôi nhọ chẳng những không giúp đứa trẻ nhận thức được đúng sai mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như tổn thương nhân cách đang được hình thành.
Phần lớn tư tưởng của những người làm cha làm mẹ hay thầy cô thường dùng quyền của người lớn để áp đặt những suy nghĩ, hành động mình cho là đúng lên trẻ mà thiếu đi sự giải thích, cảm thông cũng như sự đồng hành, làm bạn với trẻ con.
Qua chuyện bé bị cô giáo cho uống nước giẻ lau, có một vài người làm giáo viên đã comment cho rằng nếu cưng con quá thì đem về dạy, con hư mà không cho đánh phạt thế này thế nọ... Tôi xin mạo muội nói rằng nếu người comment câu ấy mà làm nghề giáo thì tốt nhất đừng nên tiếp tục theo nghề...
Về chuyện cô giáo đã dùng hình phạt bắt các bạn trong lớp tát vào mặt học sinh, thông tin cho rằng có thể vì thành tích mà cô giáo đã sử dụng hình phạt đó khiến đứa bé phải nhập viện với cái má sưng và tinh thần hoảng loạn. Xin hỏi cô giáo và nhà trường, thành tích của các thầy, các cô nếu đạt được trên những giọt nước mắt ấm ức của học trò, bằng sự áp đặt bạo hành thể chất đến tinh thần, các thầy cô có thấy vui không, thỏa mãn với sự tàn nhẫn của mình không.
Thiên chức của giáo dục từ cha mẹ đến thầy cô là sự truyền đạt kiến thức sống, cũng như cảm hóa được những hành động cũng như suy nghĩ sai của trẻ và hướng chúng đi đúng thì mới tạm gọi là thành công.
Qua rồi cái thời quỳ vỏ mít, trẻ con hôm nay cần được đối xử bằng quyền trẻ em chứ không phải sự áp đặt của người lớn mà không cần giải thích.
Tôi đã từng đánh mắng con, đã từng sử dụng quyền làm mẹ để bắt nạt con, tôi đã sai, thấy mình thất bại và tôi đã sửa... Thì các thầy cô đã, đang và sẽ có xu hướng hoặc ý nghĩ bạo lực với học trò của mình hãy nhìn lại bản thân, vì mỗi cái đánh, cái tát của thầy cô là cái tát thẳng vào năng lực sư phạm của chính mình và nói lên hình ảnh thất bại của cả nền giáo dục.
Đừng bao giờ biện hộ cho hành động bạo lực đối với trẻ em bằng bất cứ lý do gì. Vì một đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực, ngoài chuyện tinh thần bị tổn thương, tâm lý đứa bé sẽ bị ảnh hưởng và có thể có xu hướng hình thành tính cách bạo lực.
Đừng tát học trò nữa, mà hãy tát vào lòng tự trọng mang tên "sứ mạng trồng người", tự tát để tự tỉnh táo mà hành động đúng đắn hơn...