Tiểu học chấm dứt khen 'nhân bản'

  ảnh 1

Học sinh sẽ được đánh giá sát hơn về cả năng lực, phẩm chất. 

Giáo viên thở phào 

Một trong những ưu điểm của Thông tư 22 mà giáo viên tiểu học hưởng ứng nhất chính là việc giao cho giáo viên quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kỳ loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. 

“Hai năm thực hiện Thông tư 30, giáo viên rất mệt vì việc có quá nhiều loại sổ sách, nhiều lúc phải đánh vật, ngồi còng lưng ghi ghi, viết viết triền miên. Thay đổi trong Thông tư 22 sẽ giúp cho thầy cô thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá. Điều này cũng có nghĩa là giáo viên có nhiều thời gian hơn để quan tâm các em trong quá trình học.

Thực tế cho thấy khi áp dụng Thông tư 30, nhiều giáo viên vì làm không xuể đã dùng biện pháp khắc dấu, nhân bản lời nhận xét… Đây chỉ là cách làm hình thức, không thực chất và gây ra những chuyện dở khóc, dở cười”, cô Nguyễn Thị Minh, Trường Tiểu học Lê Lợi (Hà Nội), cho biết.

Tại Hà Nội, bắt đầu từ khi Thông tư 22 có hiệu lực, các giáo viên tiểu học sẽ chính thức đưa việc đánh giá, nhận xét và điểm số định kỳ lên sổ điểm và học bạ điện tử theo phần mềm chung của thành phố đang được triển khai tới 100% trường phổ thông.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết ở cấp tiểu học, việc áp dụng phần mềm sổ điểm, học bạ điện tử được triển khai chậm hơn bậc THCS và THPT vì phải chờ Thông tư 22. Những đổi mới trong Thông tư 22 so với Thông tư 30 sẽ được cập nhật ngay trong phần mềm này.

Giáo viên thay vì phải ghi chép nhiều lần, vào nhiều loại sổ khác nhau thì hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ thông tin để giảm bớt đầu việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu về đánh giá, nhận xét học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Không đánh đồng học sinh 

Quy định khiến giáo viên phản ứng nhiều nhất khi thực hiện Thông tư 30 là việc đánh giá học sinh chỉ với hai mức: Hoàn thành và chưa hoàn thành. Cách đánh giá như vậy được cho là nặng về định tính, không khơi dậy được tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh.

Thông tư 22 đã khắc phục vấn đề này bằng quy định nhận xét theo ba mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Mặt khác, quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ, lượng hóa năng lực, phẩm chất học sinh thành ba mức: tốt, đạt, cần cố gắng (thay cho 2 mức: đạt và chưa đạt trước đây).

Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kỳ, cuối mỗi học kỳ, cung cấp những thông tin phản hồi rất hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh, những lĩnh vực nào có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào còn khó khăn. Đồng thời việc này cũng giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học. 

Bà Trần Thị Hương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Tây Hồ (Hà Nội), cho biết tuần tới, các trường tiểu học trên địa bàn quận bắt đầu tổ chức kiểm tra giữa kỳ cho học sinh lớp 4, 5. Việc kiểm tra này không gây áp lực về điểm số nhưng lại có tác dụng giúp giáo viên, học sinh có căn cứ để đánh giá quá trình học tập của các em trong những tháng đầu năm học, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

“Nhiều phụ huynh lo ngại con ở bậc tiểu học không phải làm bài tập về nhà, ít kiểm tra trên lớp nên sẽ bị sốc khi vào lớp 6 với khối lượng bài tập lớn, nhiều môn học, kiểm tra liên tục. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 4, 5, các em vẫn có những bài kiểm tra định kỳ trên lớp, chỉ là không chấm điểm, lấy điểm vào học bạ. Việc tăng cường các bài kiểm tra giữa kỳ theo quy định của Thông tư 22 cũng góp phần khắc phục những lo ngại nói trên của phụ huynh” - bà Trần Thị Hương nhận xét.

                                                                              Theo Duy Anh/ANTĐ 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm