Tuyển sinh CĐ, trung cấp thoát cảnh ‘chợ chiều’?

Sau nửa chặng đường tuyển sinh năm học 2015-2016, cũng như nhiều trường ĐH tốp dưới và ngoài công lập, các trường CĐ, trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề rơi vào tình cảnh tuyển sinh “chợ chiều”. Tuy nhiên, xuất hiện tín hiệu mới khi có khá nhiều trường CĐ, trung cấp lạc quan vì số hồ sơ nộp vào khá dồi dào. Đại diện các trường “bật mí” họ đầu tư khá bài bản cho kế hoạch tuyển sinh và cả khâu đào tạo, tuyển dụng.

Trường này than giảm thí sinh

ThS Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật Vinatex TP.HCM (quận Thủ Đức), lo lắng: “Năm nay không biết thí sinh đi đâu mà số hồ sơ nộp vào rất khiêm tốn, bình quân mỗi ngày trường nhận được vài ba bộ hồ sơ, bước sang tháng 9 số thí sinh giảm hẳn. Đến nay trường mới tuyển được 1.400 thí sinh so với chỉ tiêu 2.300. Hiện vẫn còn một đợt xét tuyển nữa nhưng không chắc lấp kín chỉ tiêu”.

Ông Tiến cho hay cùng kỳ năm trước số thí sinh nhập học là 1.700 nhưng năm nay lại giảm đột ngột như trên. Đáng lo ngại là các nghề cơ khí, điện số thí sinh tụt chưa từng thấy, hiện chỉ có vài chục em theo học nghề này. Trong khi các năm trước số thí sinh đăng ký học ngành này luôn trong tốp cao.

Tình cảnh tương tự, ThS Nguyễn Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ thông tin iSpace (quận 5, TP.HCM), cho biết số thí sinh nhập học đến hiện tại mới đạt 60% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh 600. Ông Anh đánh giá nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin không chỉ tại TP.HCM mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh, thành đều rất cần. Trong đó các ngành như an ninh mạng, lập trình thiết bị di động cần rất nhiều nhân lực. Lý giải về tình trạng thí sinh “chưa mặn” học nghề, ông Anh cho rằng: “Tâm lý vào các trường ĐH còn phổ biến. Với đà này, trường tiếp tục đẩy mạnh khâu tư vấn, tuyển sinh đến cuối mùa nhưng do thí sinh nộp hồ sơ lai rai nên cần thêm nhiều thời gian nữa mới đủ chỉ tiêu”.

Chú trọng kỹ năng thực hành và tìm đầu ra giúp các trường CĐ, trung cấp tuyển sinh ổn định. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Trường kia lại vô cùng phấn khởi

Ngược với tâm trạng lo lắng của các trường đào tạo ngành kinh tế, công nghệ thông tin không tuyển đủ thí sinh, ThS Hồ Văn Sĩ, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh-Đào tạo và Giới thiệu việc làm Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (quận Tân Bình), phấn khởi: “Dù chưa kết thúc mùa tuyển sinh nhưng trường cơ bản đã tuyển gần đủ 2.500 chỉ tiêu”.

Ông Sĩ cho rằng với bề dày 30 năm đặc thù đào tạo ngành công nghệ-kỹ thuật, trường đã thu hút được nhiều thí sinh theo học và các DN đặt hàng đào tạo. Hiện trường liên kết với khoảng 800 DN trong lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ, các DN này không chỉ nhận sinh viên thực hành mà đây là nguồn đầu ra rất gần gũi với các em khi ra trường. Ngoài ra mùa tuyển sinh này thành công là do khâu tư vấn tuyển sinh được đầu tư thực hiện rất bài bản, chuyên sâu nên đã thu hút sự quan tâm của thí sinh, phụ huynh.

Dù mới tuyển được 50% chỉ tiêu (chỉ tiêu 1.000) nhưng ThS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng (quận 12, TP.HCM), vẫn lạc quan: “Số lượng tuyển sinh của trường không lớn nên trường không quá lo lắng vì thời gian xét tuyển kéo dài đến tháng 10”.

Ông Sáng cho rằng năm nay do thời gian xét tuyển ĐH kéo dài gây nhiều thiệt thòi cho các trường CĐ và trung cấp. Tình trạng này kéo dài thì cuộc đua tuyển sinh vào các trường CĐ, trung cấp càng thêm khó khăn. Để thu hút học viên, ông Sáng cho hay trường sẽ tập trung nâng cao tay nghề và ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật để khi học xong các em không chỉ làm việc được trong nước mà có nhiều cơ hội đi làm ở các nước.

Nhờ cam kết đầu ra ổn định

TS Châu Văn Dưỡng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn (Củ Chi, TP.HCM), chia sẻ: “Dù mùa tuyển sinh còn khá dài nhưng trường đã tuyển được 1.300/1.900 chỉ tiêu. Đây là con số chấp nhận được và dự kiến kết thúc mùa tuyển sinh sẽ lấp kín chỉ tiêu”. Ông Dưỡng bật mí yếu tố quan trọng hàng đầu khiến trường thu hút được thí sinh đăng ký học nghề là nhờ trường cam kết đầu ra rất ổn định. Đơn đặt hàng đào tạo nhân lực của trường với các DN kéo dài đến năm 2020, chia làm nhiều đợt, số lượng và ngành nghề khá đa dạng. Các ngành nghề hút thí sinh gồm kỹ thuật, điều dưỡng, kinh tế. Theo đó phương pháp đào tạo của trường ngoài chuyên môn thì ưu tiên hàng đầu là kỹ năng thực tập, thực hành trong môi trường DN để các em thạo nghề, thuần thục kỹ năng đáp ứng nhu cầu DN.

Qua theo dõi hồ sơ, có nhiều em có ngưỡng điểm bình quân 18-19 nhưng vẫn đăng ký học nghề. Đây là sự chuyển biến trong nhận thức của thí sinh và định hướng từ gia đình. Học nghề để có việc làm nhanh hơn, thời gian học hành rút ngắn lại.

TS Châu Văn Dưỡng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn (Củ Chi, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm