Bác sĩ Huỳnh Thị Trong: “Tôi lo bác sĩ thành thợ mổ”

39 năm trong nghề, bác sĩ Huỳnh Thị Trong (ảnh), nguyên giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện An Sinh, không thể nhớ nổi đã đỡ thành công cho bao nhiêu sản phụ.

Sản phụ sợ đau, bác sĩ sợ trách nhiệm

. Phương pháp sinh mổ đã phổ biến ở Việt Nam từ khi nào, thưa bác sĩ?

+ Lâu nay, sinh mổ thường được áp dụng khi sản phụ có những triệu chứng ngặt nghèo như nhau tiền đạo, khung chậu nhỏ, người mẹ có nhiều bệnh lý... Khi giao ban mỗi sáng, bác sĩ phải trình bày nguyên nhân mổ, đưa ra được bằng chứng thuyết phục và được giám đốc duyệt mới được mổ. Khoảng 5-6 năm trở lại đây, tỉ lệ sinh mổ tăng nhanh. Nếu trước đây Bệnh viện Từ Dũ nhiều lắm chỉ có 20 ca sinh mổ mỗi tuần thì những năm gần đây có gần 100 ca mỗi ngày. Số ca sinh mổ chiếm 50%-60% tổng số sản phụ đến sinh.

. Nhiều bà mẹ thích chọn sinh mổ. Liệu có phải đây là phương pháp tốt nhất?

+ Hiện nay, mỗi gia đình chỉ có một, hai con nên người ta thích chọn sinh mổ cho nhẹ nhàng. Nhiều phụ nữ sợ sinh đường dưới thì tầng sinh môn xấu đi. Có cô sức chịu đựng rất kém, chưa đau đẻ đã đòi mổ. Không ít gia đình còn chọn giờ vàng để sinh con.

Bác sĩ Huỳnh Thị Trong: “Tôi lo bác sĩ thành thợ mổ” ảnh 1

Ngày càng nhiều bà mẹ sử dụng phương pháp đẻ không đau. (Ảnh do Bệnh viện Hùng Vương cung cấp)

Điều quan trọng hơn là các bác sĩ trẻ bây giờ không kiên nhẫn, không chịu khó theo dõi bệnh nhân. Chỉ cần người nhà yêu cầu mổ hay sản phụ sợ đau là họ mổ ngay. Tôi không muốn nói là đạo đức của nhiều bác sĩ đi xuống nhưng đồng tiền có sức mạnh ở đây. Thử tính nhé, một ca sinh thường được 800.000 đồng nhưng bác sĩ mất rất nhiều thời gian theo dõi, chăm sóc, có khi 5-7 tiếng. Còn một ca sinh mổ thu được 1,5 triệu đồng mà chỉ tốn có 30 phút, vậy nên bác sĩ thích chọn sinh mổ.

. Không ít người giải thích tình trạng sinh mổ ồ ạt là do bệnh viện quá tải. Điều này có đúng không, thưa bác sĩ?

+ Ồ không, ngày xưa Bệnh viện Từ Dũ chỉ có 12 bàn sinh, bây giờ có đến hai mươi mấy bàn sinh cơ mà. Chủ yếu là ở cái tâm thôi, phần nữa là do trình độ và chương trình đào tạo.

Các em (bác sĩ trẻ) bây giờ ít được thực hành những ca khó. Không đỡ nhiều thì làm sao biết phải để tay ra sao, đỡ phần nào trước, phần nào sau. Nhiều em không phải vì tiền đâu mà họ sợ kiện tụng, sợ báo chí đưa tin. Sợ lắm! Sản khoa là nơi nhạy cảm nhất, dễ xảy ra rủi ro nhất. Ví dụ, có những sản phụ mình động viên rặn nhưng không chịu rặn, hai chân cứng ngắc, em bé bị ngạt thì đổ thừa cho bác sĩ. Nhiều khi nguyên nhân không phải do mình nhưng cứ nằm trên bàn mổ của mình là mình chịu trận thôi.

Ngày xưa chúng tôi có hội đồng y khoa và ban giám đốc bệnh viện bảo vệ về mặt pháp lý. Còn bây giờ chẳng có ai, đơn vị cũng không bảo vệ mình thì tự bản thân mình phải bảo vệ chính mình bằng cách chọn phương pháp an toàn là sinh mổ thôi. Cuối cùng, sản phụ mới là người thiệt thòi.

“Đỡ thành công ca khó, sướng lắm!”

. Nhưng nếu sinh mổ vừa rút ngắn thời gian, vừa giúp tăng thu nhập cho bác sĩ thì vẫn đáng khuyến khích chứ?

+ 95%-96% ca sinh mổ là an toàn. Tuy nhiên, sinh mổ không an toàn tuyệt đối. Nhiều người sau khi mổ thì vết mổ chảy máu, băng huyết, viêm phúc mạc. Có người bị rối loạn đông máu, thắt động mạch tử cung, buộc phải mổ đi mổ lại, cuối cùng tử vong. Người khác sau mổ bị dính ruột, tắc ruột, dính ống dẫn trứng, vòi trứng dẫn đến vô sinh... Đủ thứ chuyện trong đó chứ đâu phải chơi. Bởi vậy trường hợp bất khả kháng mới nên mổ. Ngoài ra, trẻ sinh mổ dễ có vấn đề về hô hấp hơn trẻ sinh thường. Các bé phải thở oxy nhiều hơn và dễ lên cơn hen hơn. Có bé phải vài giờ sau mới khóc được.

. Vậy đẻ không đau không phải là lựa chọn tốt cho sản phụ muốn sinh thường nhưng sợ đau?

+ Đã đẻ là phải đau! Quan trọng là mình phải biết chấp nhận, biết chấp nhận thì sẽ không cảm thấy đau. Trên thực tế nhiều khi đẻ không đau còn mệt hơn đẻ thường. Do được chích thuốc tê vào cột sống nên khi tử cung co bóp, sản phụ không biết đau, mà không biết đau thì đâu có rặn, cứ nằm ì hoài. Nhiều khi tử cung nở được bốn phân rồi, ráng tí nữa là được nhưng do không cảm nhận được cơn đau, không rặn nên thành ra phải nằm tới mấy tiếng. Thế là bác sĩ lại phải giúp sinh. Cho nên, tự nhiên vẫn là tốt nhất!

. 39 năm trong nghề, điều gì khiến chị băn khoăn, trăn trở nhất?

+ Có một trường hợp tôi nhớ hoài khi còn làm ở Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình. Hôm đó, sản phụ chuyển dạ rất tự nhiên, tất cả đều thuận lợi, cái đầu ra rất dễ nhưng em bé bị kẹt vai, kéo miết mà cứ kẹt. Cuối cùng, khi kéo được ra thì hai tay tôi mỏi đến xụi lơ, không thể ẵm nổi đứa bé. Mình đoán nó khoảng 3,5 kg, ai ngờ đưa lên cân tới 5,2 kg... Đỡ thành công một ca khó, sướng lắm. Không gì hạnh phúc bằng sau mọi căng thẳng, lo lắng, mình được nghe tiếng khóc con trẻ.

Tôi cứ hay nói đùa: “Mấy bé khóc thì mấy cô cười, bé không khóc thì mấy cô khóc”. Đẻ khó mới cần đến bàn tay của bác sĩ, chứ nếu cứ chuyển dạ sinh bình thường thì mình chỉ là người hứng em bé ra thôi. Còn học mổ thì dễ lắm. Nếu ai khéo tay thì mổ nhanh, khâu đẹp; không khéo thì mổ lâu một tí. Nhưng nếu cứ hở ra là mổ thì bác sĩ đỡ đẻ chỉ là... thợ mổ chứ không còn là bác sĩ nữa. Cứ theo đà này, tôi lo một mai nước mình chỉ còn lại toàn là thợ mổ thôi!

. Vậy bác sĩ đã làm gì để ngăn chặn điều đó?

+ Trong giảng dạy, tôi luôn cố gắng đưa các em đi thực tế. Cái chính là các em phải lăn xả, bám sát bệnh nhân để vui cùng niềm vui của họ, buồn cùng nỗi buồn của họ và tận dụng từng cơ hội có được để thực tập.

. Xin cám ơn bác sĩ.

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm