Theo thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các biến chứng của bệnh tiểu đường như tổn thương mạch máu và dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi khiến cơ thể không làm mát hiệu quả, dẫn đến kiệt sức vì nóng và say nắng.
Người bệnh tiểu đường bị mất nước nhanh hơn người thường. Không kiểm soát đường huyết tốt trong mùa nắng nóng thì cơ thể sẽ gia tăng bài tiết nước tiểu nhiều, khiến cơ thể mất nước nhanh hơn.
Người bị kiệt sức vì nóng, mất nước thường có các triệu chứng như: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, chuột rút cơ bắp, co thắt dạ dày, da nhợt nhạt…
Người bệnh cần được di chuyển đến nơi mát mẻ để nghỉ ngơi; sau đó, đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Để đảm bảo sức khỏe mùa nắng nóng, người mắc bệnh tiểu đường nên lưu ý:
- Hạn chế ăn các loại hoa quả có chỉ số đường huyết cao như nhãn, vải, mít, sầu riêng, dưa hấu… có thể ăn các loại táo, bơ, ổi, bưởi, đào, lê, mận, dâu tây…
- Uống đủ nước, tránh các loại nước ép, nước ngọt, đồ uống có đường có thể gây tăng đường huyết.
- Ăn nhiều chất xơ (chất xơ có khả năng làm chậm quá trình giải phóng đường vào máu, ngăn ngừa sự tăng vọt của đường huyết trong cơ thể).
- Kiểm tra mắt thường xuyên: Để tránh bị các bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến vào mùa hè như viêm kết mạc hoặc nhiễm trùng mắt.
- Thường xuyên kiểm tra đường huyết mao mạch.
- Với người bệnh sử dụng thuốc tiêm insulin cần bảo quản tốt thuốc và tránh nắng, bởi thời tiết nắng nóng dễ làm hỏng thuốc hay máy đo đường huyết…