Tin vui: Đề xuất chi trả 100% BHYT cho một số bệnh hiểm nghèo

(PLO)- Bệnh hiểm nghèo là một gánh nặng dai dẳng nhiều năm, thậm chí suốt đời. Nhiều người không có BHYT đã phải bỏ cuộc vì không gánh nổi chi phí quá lớn trong suốt một thời gian dài.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Buổi chiều tháng 4-2024 tại xóm chạy thận - một ngách nhỏ nằm sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội), không khí ngột ngạt, bức bối, có phần ảm đạm. Đây hiện là nơi cư trú của 113 bệnh nhân phải gắn bó suốt đời với máy chạy thận nhân tạo.

BHYT - phao cứu sinh cho người mắc bệnh hiểm nghèo

Những người trong độ tuổi từ ngoài 30 đến gần 70 da dẻ thâm đen, xanh xao, có người cánh tay bắt đầu biến dạng. Nhiều người khác mệt mỏi, yếu ớt, thi thoảng lại rên rỉ bởi vừa trở về sau ca chạy thận kéo dài 4 tiếng từ bệnh viện.

Bước sang năm thứ 27 sống chung với máy lọc, kim truyền, anh Chu Đức Cương (48 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội), cho biết do sức khỏe yếu, khả năng đáp ứng máy lọc không bằng mọi người, anh từng muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi nghĩ đến người thân, người bên cạnh mình, anh lại cố gắng vượt qua.

Một số bệnh hiểm nghèo sẽ được BHYT chi trả 100%
Người dân xếp hàng chờ nộp tiền khám bệnh tại Bệnh viện K, Hà Nội. Ảnh: TT

Người bên cạnh anh Cương là một phụ nữ 38 tuổi, cũng là bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Anh chị gặp nhau 7 năm trước khi chị từ Thái Bình lên thuê trọ ở xóm chạy thận để bắt đầu hành trình gắn đời mình với bệnh viện. Thế rồi thương nhau, họ góp gạo thổi cơm chung, nương tựa, dìu nhau vượt 100 mét từ xóm trọ đến Bệnh viện Bạch Mai vào ngày đến ca chạy thận.

“Chúng tôi không làm được gì nên tiền thuê trọ, ăn uống, sinh hoạt đều do gia đình hai bên ở quê gửi lên. Ngoài một số loại thuốc phải tự mua khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, chúng tôi được BHYT chi trả 100% chi phí điều trị bệnh” - anh Cương nói, đồng thời chia sẻ thêm rằng nếu không có BHYT chi trả nhiều năm qua, vợ chồng anh có thể đã không sống được đến giờ.

Cũng có thẻ BHYT, nhưng bà Trần Thị Tĩnh (57 tuổi, ngụ Hưng Yên) vẫn chưa thể tận dụng được lợi thế này trong quá trình điều trị bệnh ung thư đại tràng.

Bà Tĩnh phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo cách đây khoảng 1 tháng khi đi khám tại bệnh viện tỉnh. Sau khi được các bác sĩ chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn 3, chỉ định phẫu thuật cắt khối u và điều trị hóa chất sau mổ, bà được hai con đón lên Hà Nội để tiến hành phẫu thuật do ở quê không có người chăm sóc. Các con bà cũng không thể nghỉ việc dài ngày, họ cần phải tiếp tục công việc để có tiền thể thanh toán các khoản chi phí điều trị bệnh.

Nhưng lý do trên không đủ để giúp bà Tĩnh xin được giấy chuyển tuyến của bệnh viện tỉnh. Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bà Tĩnh được chỉ định chụp chiếu và làm lại các xét nghiệm cần thiết, sau đó nhập viện, chờ ngày mổ…

Ngày ra viện, gia đình bà Tĩnh nhận được bảng kê viện phí, tổng cộng lên đến gần 70 triệu đồng. Trong đó, BHYT vượt tuyến hỗ trợ thanh toán hơn 16 triệu đồng.

Bác sĩ Vũ Xuân Vinh, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết trường hợp bệnh nhân không có BHYT, hoặc có BHYT nhưng không được hỗ trợ 100% đang được điều trị tại khoa rất nhiều. Trong đó, nhiều bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt khối u tiếp tục phải điều trị hóa chất, bà Tĩnh là một trường hợp như vậy.

“Nếu không được BHYT thanh toán 100% thì nhiều bệnh nhân rất khó theo suốt quá trình điều trị. Chi phí cho mỗi đợt hóa trị không hề nhỏ…” - bác sĩ Vinh nói.

Đề xuất có lợi cho người dân khi khám chữa bệnh

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung bốn chính sách lớn, trong đó có điều chỉnh phạm vi mức hưởng BHYT và tỉ lệ chi trả BHYT đối với một số trường hợp không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh BHYT.

Đến thời điểm này, tổng số người tham gia BHYT đạt hơn 93 triệu người, tương ứng tỉ lệ bao phủ trên 93,3% dân số.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất quy định mức hưởng BHYT 100% cho các trường hợp không phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT, phân cấp chuyên môn kỹ thuật. Cụ thể, một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám chữa bệnh tại cơ sở có chuyên khoa thuộc cấp khám chữa bệnh cơ bản, chuyên sâu theo quy định được thanh toán BHYT 100% theo mức hưởng.

Trường hợp đã được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh mạn tính được chuyển về cơ sở khám chữa bệnh đăng ký BHYT ban đầu hoặc cấp khám chữa bệnh ban đầu để quản lý, cấp phát thuốc chuyên khoa, thuốc sử dụng cho cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn được thanh toán BHYT 100%.

Cạnh đó, người bệnh được tự đến cơ sở khám, chữa bệnh thuộc chuyên môn kỹ thuật cao hơn tại địa phương hoặc địa phương giáp ranh trong trường hợp cơ sở đăng ký chuyên môn kỹ thuật ban đầu; cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn liền kề không có đủ năng lực, phạm vi hoạt động chuyên môn đối với một số dịch vụ kỹ thuật, một số bệnh theo quy định của Bộ Y tế, cũng được thanh toán BHYT 100%.

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang, đề xuất này vừa giúp người dân tiết kiệm chi phí do phải khám nhiều lần ở cấp dưới và khám lại ở cấp trên, vừa tiết kiệm tiền đi lại và đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám chữa bệnh vượt cấp.

Đồng thời, đề xuất cũng có tác động tích cực đến cơ sở khám, chữa bệnh và doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế do người dân sẽ sử dụng dịch vụ y tế nhiều hơn, góp phần tăng doanh thu, từ đó cải thiện thu nhập của cán bộ ngành y tế.

Tuy nhiên, cũng theo bà Trang, chính sách này có thể có tác động tiêu cực là tăng chi từ quỹ BHYT, nhưng chi phí này sẽ được bù đắp bởi lợi ích của chính sách mang lại và việc tiết kiệm quỹ BHYT trong tương lai.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT Bộ Y tế đề xuất quỹ BHYT ưu tiên mở rộng chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm 6 bệnh gồm: Ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C, B.

Dự thảo Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 khóa XV tháng 5-2024.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm