Thông tin trên được nêu tại hội thảo tham vấn ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT do Bộ Y tế tổ chức ngày 16-4.
Thông tin tại hội thảo, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, cho biết mở rộng phạm vi quyền lợi chi trả BHYT đối với khám chữa bệnh để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh có tỉ lệ mắc cao. Cạnh đó đạt hiệu quả khi can thiệp sớm, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn muộn, tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT.
Các bệnh được đề xuất chi trả cho đánh giá nguy cơ, điều trị ngăn ngừa bao gồm ung thư cổ tử cung và ung thư vú.
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, ung thư cổ tử cung và ung thư vú là các bệnh ung thư phổ biến, gây gánh nặng bệnh tật lớn và có nhiều bằng chứng về chi phí - hiệu quả của các biện pháp sàng lọc, bệnh cạnh đó thực tiễn nhiều quốc gia đã thực hiện chi trả BHYT cho bệnh này.
Nếu quy định được ban hành, dự kiến sẽ tăng chi từ quỹ BHYT khoảng 2,6 - 3 nghìn tỉ mỗi năm cho sàng lọc ung thư cổ tử cung; và 2,5 - 5,3 nghìn tỉ mỗi năm cho sàng lọc ung thư vú.
Tuy nhiên, “chi phí này sẽ được bù đắp bởi lợi ích của chính sách mang lại và việc tiết kiệm quỹ trong tương lai”, bà Trang nhấn mạnh.
Cụ thể, chính sách giúp tiết kiệm chi cho quỹ BHYT do việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời giúp giảm chi phí cho điều trị bệnh tật ở giai đoạn muộn, giúp tiết kiệm chi phí ngân sách chi cho hoạt động phòng bệnh và chi phí để giải quyết các vấn đề sức khoẻ, xã hội.
Tăng khả năng bảo đảm tài chính cho người dân nhờ phát hiện và điều trị sớm giúp tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại, tạm trú so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả của người bệnh.
Đồng thời, chính sách sẽ tác động rất tích cực đến nhóm đối tượng nữ giới, trẻ em, người thu nhập thấp bởi họ sẽ được bảo đảm nhiều quyền lợi liên quan.
Ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Theo Globocan (là một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) 2020, mỗi năm Việt Nam có 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong vì ung thư vú. Ung thư vú là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Nghiên cứu ở các nước châu Á đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm 5 năm trong khoảng từ 56,5% đến 86,7%.
Còn ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Theo ghi nhận ung thư 2020, Việt Nam có hơn 9.000 ca mắc mới và có hơn 3.000 ca tử vong vì căn bệnh này.
Điều đáng tiếc đây là hai loại ung thư có hiệu quả điều trị khả quan nếu phát hiện sớm, tuy nhiên trên 1/2 số ca phát hiện ở giai đoạn muộn.
Trong đánh giá tác động của dự thảo Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế cho hay theo nghiên cứu công bố bởi Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) năm 2023, ba phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung được đánh giá tại Việt Nam bao gồm: xét nghiệm HPV 10 năm/ lần, xét nghiệm tế bào học 5 năm/ lần, và xét nghiệm VIA 3 năm/lần.
Kết quả mô hình hóa trong toàn bộ thời gian sống của quần thể cho thấy, các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung giúp ngăn chặn 280 - 287 nghìn ca tử vong và giúp tăng thêm 7,2 – 7,4 triệu năm sống.
Về sàng lọc ung thư vú chi trả trung bình 2.100 tỉ đến 5.000 tỉ/năm tùy thuộc vào phương pháp sàng lọc. Tuy nhiên, chi phí này sẽ giảm đi đáng kể nếu giới hạn nhóm tuổi phụ nữ được sàng lọc.
Theo GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy - Phó Chủ tịch Hội Phụ Sản Việt Nam, nếu như được phát hiện sớm và xử lý một cách đúng đắn những trường hợp tiền ung thư ung thư cổ tử cung, tỷ lệ chữa lành bệnh lên đến hơn 90%.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đề xuất BHYT chi trả đối với các chế phẩm máu, khí y tế (O2, N2O) và các chế phẩm khác để điều trị bệnh như chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, nhằm bảo đảm tính bao quát, đồng bộ với Luật Khám chữa bệnh năm 2023.
Các chế phẩm này không phải là thuốc nhưng được dùng để điều trị bệnh, đã được quy định trong các hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các hội y khoa thế giới.