Đề xuất bổ sung người bắt buộc tham gia BHYT

(PLO)- Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đề xuất điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT nhằm đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan và thực tiễn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, bao gồm: người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh.

Đồng thời, bổ sung người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ/giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

BHYT.jpg
Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Ảnh: TT

Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất cập nhật các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT đã được quy định tại các Nghị định của Chính phủ, như: người dân các xã An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã An toàn khu cách mạng trên đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu dân cư về cư trú.

Dự thảo đề xuất điều chỉnh quy định về nhóm tự đóng BHYT. Trong đó, bổ sung quy định người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo; người Việt Nam không có giấy tờ tuỳ thân; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà không thuộc các đối tượng đã được quy định trong Luật; người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, thì tự đóng BHYT hoặc tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Theo Bộ Y tế, những đề xuất trên nhằm tăng tỉ lệ người tham gia BHYT, tăng nguồn thu cho quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của quy định về BHYT với quy định về BHXH và các lĩnh vực liên quan khác.

Năm 2023 có khoảng 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo Bộ Y tế, nếu chỉ riêng đối tượng này tham gia BHYT thì quỹ BHYT có thể tăng thêm khoảng 1.944 tỉ đồng mỗi năm.

Riêng trong quý I năm 2023, chỉ tính tại Bình Dương có hơn 36.300 lao động nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, khi quy định đối tượng này tiếp tục tham gia BHYT sẽ giúp duy trì ổn định đối tượng và nguồn thu của quỹ BHYT.

Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được ban hành từ năm 2014, là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Theo Bộ Y tế, số người tham gia BHYT toàn quốc tăng đều qua các năm. Cụ thể, tỉ lệ bao phủ BHYT năm 2021 là 91,01% dân số; năm 2022 là 92,04%; và năm 2023 đạt 93,35% với trên 93,307 triệu người tham gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm