Đề xuất mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú, trả lương cho người học

(PLO)- Bác sĩ nội trú hành nghề như nhân viên y tế tại các bệnh viện thực hành nên cần được trả lương, thù lao tương xứng để đảm bảo cuộc sống.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại lễ kỷ niệm 50 năm đào tạo Bác sĩ nội trú 1974 - 2024 sáng ngày 26-2 tại Hà Nội, GS Đoàn Quốc Hưng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội đề xuất mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh cho chương trình đào tạo bác sĩ nội trú. Sinh viên sau tốt nghiệp đại học bắt buộc phải học nội trú để hành nghề.

Mô hình đào tạo bác sĩ nội trú xuất phát từ Pháp vào năm 1802, sau đó sang các nước châu Âu, Mỹ và khắp thế giới. Đây được xem là tinh hoa của ngành y, dành riêng cho những sinh viên xuất sắc theo học ngay sau khi tốt nghiệp đại học.

bác sĩ nội trú.jpg
GS. Đoàn Quốc Hưng. Ảnh: trường Đại học Y Hà Nội

Tại Việt Nam, chương trình thi tuyển để trở thành bác sĩ nội trú đầu tiên được trường Đại học Y Hà Nội tổ chức năm 1974. Sau 50 năm, hiện trường Đại học Y Hà Nội đã và đang đào tạo 5.159 bác sĩ nội trú. Đặc biệt, trường đã nỗ lực nâng tỉ lệ sinh viên y khoa tốt nghiệp của nhà trường tham gia chương trình đào tạo bác sĩ nội trú từ 10% trong giai đoạn 1974 đến 2014 lên đến hơn 65% trong giai đoạn 2015 đến 2023.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ nội trú khóa 14, cho biết bác sĩ nội trú là thương hiệu đào tạo của trường Đại học Y Hà Nội suốt 50 năm qua bởi chất lượng ở tầm hoàn thiện nhất trong hệ thống đào tạo bác sĩ.

Hiện cả nước có 13 cơ sở giáo dục đại học đào tạo bác sĩ nội trú. Số bác sĩ nội trú tốt nghiệp trung bình mỗi năm khoảng 900 người, trong đó số bác sĩ nội trú tốt nghiệp tại Trường Đại học Y Hà Nội chiếm 41%.

“Đây là lực lượng quan trọng để thay đổi hệ thống, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chương trình đào tạo bác sĩ nội trú được coi là đào tạo tinh hoa của ngành y tế. Sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú, học viên có thể hành nghề ngay và không phải trải qua bất kỳ khóa học nào khác và cơ hội làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương, đầu ngành là rất lớn”, GS Tạ Thành Văn nói.

Còn theo GS Đoàn Quốc Hưng, đã có nhiều cựu bác sĩ nội trú giữ vai trò quan trọng của ngành y tế, nhiều người trở thành lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo cơ sở đạo tạo, các bệnh viện, viện nghiên cứu và phần lớn trở thành các chuyên gia hàng đầu chuyên ngành, trưởng/phó khoa.

Lý giải về yếu tố tạo nên sự thành công, ông Hưng cho biết đó là mô hình đào tạo này có tính cạnh tranh cao, công bằng, công khai. Trong quá trình đào tạo, người học được hướng dẫn, kèm cặp, giám sát, hỗ trợ và chuyển giao kiến thức, kỹ năng. Các bệnh viện thực hành tạo điều kiện thường trú cho người học, người học được hưởng chế độ như nhân viên bệnh viện.

Tuy nhiên, trước năm 2016, bác sĩ nội trú được hưởng học bổng hoặc 85% lương, miễn học phí. Nhưng từ năm 2017, không có học bổng, lương, người học phải tự đóng học phí.

“Trước đây, 90% bác sĩ nội trú ở lại trường hoặc chọn các bệnh viện tuyến trung ương. Giờ đây, tỉ lệ bác sĩ nội trú ở các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố và các bệnh viện ngoài công lập tăng lên 35%”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, khi số lượng bác sĩ nội trú tăng lên sẽ góp phần thay đổi chất lượng khám chữa bệnh theo hướng tích cực, giúp người dân được tiếp cận bác sĩ giỏi dễ dàng hơn, đồng thời giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trung ương. Do vậy, đại diện trường Đại học Y Hà Nội đề xuất mở rộng đào tạo hệ này.

“Cần thiết mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh lên mức 90% sinh viên tốt nghiệp được đào tạo bác sĩ nội trú và muốn tiếp tục hành nghề khám chữa bệnh bắt buộc phải học nội trú", ông Hưng nhấn mạnh.

Cùng với đó, bác sĩ nội trú nên được cấp chứng chỉ hành nghề tạm thời. Trong thời gian đào tạo, họ đã hành nghề như nhân viên y tế tại bệnh viện thực hành nên cần được trả lương, thù lao tương xứng để đảm bảo cuộc sống.

bác sĩ nội trú 1.jpg
Nhiều chuyên gia cho rằng nên mở rộng mô hình đào tạo bác sĩ nội trú. Ảnh: trường Đại học Y Hà Nội

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Trường Đại học Y Hà Nội tiếp tục nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị, đề xuất các phương thức đào tạo bác sĩ nội trú trong thời gian tới vừa theo hướng hội nhập với các nước trên thế giới, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu và yêu cầu về nhân lực y tế của Việt Nam.

“Đào tạo bác sĩ nội trú là loại hình đào tạo sau đại học đặc thù của ngành y tế, nhằm mục đích đào tạo các bác sĩ chuyên khoa có kiến thức khoa học cơ bản vững, kiến thức chuyên ngành hệ thống, kỹ năng thực hành cao, chủ động giải quyết thành thạo những vấn đề chuyên môn cơ bản thuộc chuyên ngành đào tạo”, bà Lan cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm