Đề xuất BHYT bổ sung giúp bệnh nhân giảm chi tiền túi

(PLO)- Trong dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), Bộ Y tế đề xuất quy định gói BHYT bổ sung nhằm giảm chi tiền túi của người dân khi khám chữa bệnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đó, gói BHYT bổ sung là BHYT thương mại, mang tính tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia BHYT bắt buộc... giúp giảm chi tiền túi, tăng nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe. Cạnh đó, phát huy vai trò kết nối giữa BHYT bắt buộc và BHYT thương mại của các cơ sở kinh doanh bảo hiểm hiện nay.

Cần đa dạng hóa các gói BHYT

Hiện Việt Nam có hai hình thức BHYT, trong đó BHYT bắt buộc không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT. Quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo quy định, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng.

Còn BHYT thương mại là sản phẩm của các công ty bảo hiểm, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo điều kiện và nhu cầu của người đó.

Trước đó, tại tọa đàm “Chính sách BHYT bổ sung trong dự án Luật BHYT (sửa đổi)” do Bộ Y tế tổ chức, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết quy định về gói BHYT bổ sung là một trong những nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh tỉ lệ chi tối đa cho quản lý quỹ BHYT từ 5% xuống 4%, phần 1% sẽ bổ sung ngay vào quỹ KCB. Với đề xuất này, ước tính mỗi năm quỹ KCB được bổ sung khoảng 1.100 tỉ đồng.

Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân, điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đồng thời đa dạng các gói BHYT, tăng cường liên kết giữa BHYT bắt buộc và BHYT thương mại.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, BHYT bắt buộc là quỹ ngắn hạn, mang tính bù đắp, hoạt động theo cơ chế đóng - hưởng, vì vậy chỉ nên có quy định về BHYT bắt buộc dành cho tất cả người dân. Ai có nhu cầu mở rộng quyền lợi thì tự tìm hiểu và mua gói BHYT thương mại.

Giảm chi tiền túi khi khám chữa bệnh

Dự thảo luật nêu rõ quy định chính sách BHYT bổ sung mang tính tự nguyện do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định. Trong đó, việc tham gia BHYT bắt buộc là điều kiện để tham gia BHYT bổ sung nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.

Theo đó, dự kiến người tham gia BHYT bổ sung được tích hợp thông tin trên thẻ BHYT bắt buộc khi đi KCB. Phạm vi được hưởng BHYT bổ sung không trùng với phạm vi và mức hưởng của BHYT bắt buộc, người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, được lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.

BHYT bổ sung
Người dân xếp hàng đăng ký khám chữa bệnh tại BV Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: THANH THANH

Đơn cử, BHYT bổ sung sẽ chi trả cho các dịch vụ như khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người già, khám - chẩn đoán, sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh… Việc này góp phần giảm tỉ lệ chi tiền túi của người dân khi KCB từ 43% như hiện nay xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.

Tổ chức cung cấp BHYT bổ sung sẽ được cơ sở KCB cung cấp dữ liệu về tình trạng của bệnh nhân, chi phí sử dụng dịch vụ y tế liên quan phục vụ việc chi trả quyền lợi cho người tham gia. Đặc biệt, không được có quy định loại trừ người dân (chỉ ký hợp đồng với người khỏe). Tất cả người đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tham gia BHYT bổ sung.

Về vấn đề trên, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến, BHXH Việt Nam, nhấn mạnh phải có quy định về chia sẻ thông tin, dữ liệu của người bệnh giữa cơ sở KCB và tổ chức cung cấp BHYT bổ sung, đảm bảo không vi phạm quyền bảo mật thông tin cá nhân.

Còn theo TS Nguyễn Khánh Phương, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, nếu xây dựng chính sách về BHYT bổ sung theo hướng gói này chi trả những khoản mà BHYT bắt buộc không chi trả sẽ giúp tăng số người tham gia BHYT bắt buộc. Từ đó, tăng thu cho quỹ từ phí đóng BHYT và phí cung cấp dữ liệu giám định BHYT.

Tuy vậy, bà Phương cũng lưu ý việc tham gia BHYT bổ sung phụ thuộc vào khả năng chi trả, do đó có thể xuất hiện chênh lệch giàu - nghèo, nghề nghiệp, vùng miền... Người chỉ tham gia BHYT bắt buộc sẽ chỉ được hưởng mức thanh toán trong phạm vi quyền lợi cơ bản, dẫn tới gia tăng khác biệt về tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Hiện BHYT bắt buộc chỉ giải quyết một phần khó khăn trong gánh nặng của bệnh nhân ung thư, do đó cần đa dạng hóa các gói BHYT để người dân có thêm lựa chọn nếu họ có điều kiện, có nhu cầu. Cùng với đó, cần có giải pháp để tăng cường sàng lọc, dự phòng nhằm tăng tỉ lệ phát hiện sớm tiền ung thư, từ đó giảm tỉ lệ ung thư. Việc sàng lọc, dự phòng này cũng cần được BHYT chi trả.

Đại diện BV Ung bướu Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm