Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết mục đích của việc làm trên nhằm rà soát quy trình tiếp nhận và điều trị hai bệnh nhân mắc SXH của BV Nguyễn Trãi và BV Đa khoa khu vực Hóc Môn.
“Trong quá trình rà soát, nếu ghi nhận vẫn còn vấn đề tồn tại liên quan đến chuyên môn của hai BV nói trên thì kịp thời chấn chỉnh” – BS Hưng cho biết thêm.
UBND phường Hiệp Thành (quận 12) dựng bảng cảnh báo sau khi bệnh nhân NTNT tử vong do SXH. Ảnh: TRẦN NGỌC
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân TQC (51 tuổi, phường 1, quận 5, TP.HCM). Ngày 2-3, bệnh nhân có biểu hiện sốt, nhức đầu, ăn uống kém và tự mua thuốc uống. Hôm sau bệnh nhân sốt 400C, nhức mỏi toàn thân, nổi ban, không đau ngực, không khó thở nên đến khám tại BV Nguyễn Trãi.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm, BV Nguyễn Trãi chẩn đoán bệnh nhân nhiễm siêu vi. Đến ngày 6-3, bệnh nhân hết sốt, tỉnh táo, không dấu xuất huyết, không điểm đau khu trú, tim phổi bình thường. Bệnh nhân xin xuất viện và được BV Nguyễn Trãi đồng ý.
Tuy nhiên ngày 7-3, bệnh nhân sốt cao trở lại, lạnh run, ho ít, không ói, không tiêu chảy. Bệnh nhân tới khám lại tại BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM và nhập viện với chẩn đoán theo dõi SXH ngày thứ năm.
Hôm sau (8-3), do bệnh tình ngày càng nặng nên người nhà xin bệnh viện cho về và bệnh nhân đã tử vong sau đó. Chẩn đoán cuối cùng của BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM là SXH nặng ngày bảy, thể sốc, suy đa tạng, viêm cơ tim.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân NTNT (36 tuổi, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM). Ngày 23-2, bệnh nhân sốt cao liên tục, không lạnh run và tự mua thuốc uống. Ngày 24-2, bệnh nhân vẫn sốt, uống thuốc không giảm, mệt, tức ngực nên đến khám và nhập viện tại BV Đa khoa khu vực Hóc Môn. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, BV này chẩn đoán bệnh nhân bị SXH ngày hai, theo dõi đái tháo đường 2/viêm phế quản.
Ngày 25-2, bệnh nhân sốt 380C, mệt, ăn uống kém, tiêu lỏng bốn lần, nôn ói nhiều… Qua sáng 26-2, bệnh nhân bứt rứt, vã mồ hôi lạnh, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, tay chân lạnh tím, dấu chấm xuất huyết… BV Đa khoa khu vực Hóc Môn chẩn đoán bệnh nhân bị SXH ngày bốn, sốc giảm thể tích nên chuyển tới BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM.
Tuy nhiên khi chuyển bệnh nhân tới BV Bệnh nhiệt đới, BV Đa khoa khu vực Hóc Môn lại ghi trong giấy chuyển viện là chẩn đoán SXH độ một ngày hai. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, BV Bệnh Nhiệt Đới chẩn đoán bệnh nhân lúc nhập viện là theo dõi sốc SXH nặng ngày năm.
Qua ngày 27-2, mặc dù được BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM điều trị tích cực nhưng sức khỏe bệnh nhân không cải thiện. Gia đình xin đưa về và bệnh nhân đã tử vong sau đó. Chẩn đoán sau cùng của BV Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM là bệnh nhân bị SXH nặng ngày sáu thể sốc, suy đa tạng và xuất huyết nặng.
Tỉ lệ người lớn mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm 2017 đến nay TP.HCM ghi nhận ba ca tử vong do SXH, trong đó có hai người lớn. Báo cáo cũng cho thấy từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 3 ghi nhận hơn 4.940 ca nhập viện do SXH. BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, ngày 29-3 cảnh báo SXH rơi vào người lớn gần đây gia tăng, xảy ra nhiều nhất ở các quận 2, 9, Thủ Đức và Bình Thạnh. Tại các quận nói trên, tỉ lệ người lớn và trẻ em mắc SXH là 50-50. |