Tờ báo là bạn đồng hành buổi sáng của những bác xích lô khi vắng khách…
Thế nhưng đi ngược lại những năm 1960 của thế kỷ trước, nếu ai đọc báo buổi sáng thì chỉ là người đọc báo cũ từ… chiều hôm trước. Bởi vì thời gian ấy báo chỉ ra buổi chiều. Thật là lạ lùng, thêm chút đỉnh ngộ nghĩnh khi nhớ lại sách giáo khoa diễn tả lại cảnh êm ấm gia đình vào buổi tối sum họp thường là với câu cố định như văn mẫu: “Mẹ tôi ngồi may vá, ba tôi thì đọc báo” . Trong bài viết Thư nhà (Bách Khoa, số tháng 3-1962), nhà văn Võ Phiến cho biết là ba, bốn giờ chiều đã có các trẻ bán báo với lời rao: “Báo mới, báo mới đây!” chạy khắp các con đường Sài Gòn để đem tin tức sốt dẻo đến người đọc. Và hình ảnh những anh công nhân kê vai vác từng kiện báo lớn, những người đàn bà, những chị thanh nữ thoăn thoắt xếp gấp báo vội vàng bên vỉa hè, những đứa bé lăng xăng chạy lui chạy tới đưa tay mời gọi “Báo mới, báo mới!” vào một buổi chiều.
Đi sâu về chuyện bếp núc làm báo thì vô cùng. Để có được tờ báo ra buổi chiều và sau đó cố gắng ra báo trước hoặc sau 12 giờ trưa hằng ngày thì thời đó, các ký giả “chân chạy” (săn tin) và “chân nằm” (các biên tập viên) đều làm việc từ lúc sáng sớm. Bắt đầu từ 5, 6 giờ sáng hằng ngày, các thư ký tòa soạn đã phải vào tòa soạn để chuẩn bị in bài những trang nằm - không mang tính thời sự. Sau đó, chờ những phóng viên nghị trường, tin tức thời sự săn được trong buổi sáng mang tin về tòa soạn viết bài, sắp chữ đến trưa để cho ra kịp vào lúc 3, 4 giờ chiều hằng ngày. Lúc đó, trước nhà in là những trẻ bán báo đang đợi từng chồng báo in thơm mùi mực xuất xưởng.
Chính vì ra báo buổi chiều nên người đọc thường được “nhựt trình”, hay “nhựt (nhật)” báo tường trình lại các tin nóng sốt xảy ra buổi sáng chứ không phải đợi đến sáng hôm sau. Thí dụ, sáng ngày 1 có tin tăng giá bia lên thì người dân đã biết ngay buổi chiều đó chứ không phải đợi đến sáng ngày 2 mới được biết.
Dần dần, theo thời gian các tờ tuần báo tiến lên nhật báo và báo phát vào buổi sáng vẫn tiếp tục duy trì và người đọc lại vào nếp quen đọc báo vào buổi sáng. Sau năm 1975, chỉ có báo Sài Gòn Giải Phóng, Tin Sáng là ra báo buổi sáng hằng ngày. Còn lại các tờ như Tuổi Trẻ, Công Nhân Giải Phóng (Người Lao Động), Phụ Nữ Thành Phố cũng như Pháp Luật TP.HCM là ra báo hằng tuần, rồi tiến đến hai số, ba số một tuần nên ra sáng hay chiều cũng chẳng ai cạnh tranh ai. Rồi đến thời kỳ tất cả đều là báo ngày thì vẫn đọc báo buổi sáng nên tin sốt dẻo xảy ra buổi sáng hôm nay thì chờ sáng hôm sau đọc hay xem tivi.
May quá, bây giờ các tờ báo đều có báo online nên tin tức sốt dẻo “vừa thổi vừa coi”đã đáp ứng được nhu cầu đói thông tin của thời đại @. Thử nghĩ mà xem các tin quan trọng của Nhà nước ban hành buổi sáng hôm nay mà sáng mai báo giấy mới đăng tải và người đọc mới được biết thì làm gì còn là “nhựt trình” nữa!