TRUYỆN DÀI KỲ TRÊN BÁO CHÍ SÀI GÒN TRƯỚC 1975 - BÀI 1

‘Nồi cơm’ của tòa báo

Lâu lắm rồi phơi-dơ-tông (feuilleton - truyện dài kỳ) không còn xuất hiện trên các trang báo Việt Nam (VN) dù nó từng tồn tại trên báo chí VN từ xa xưa cho đến khoảng năm 1987 - sau “Ván bài lật ngửa” trên báo Tuổi Trẻ, chuyên mục này đã biến mất.

Truyện dài kỳ - chuyện sống còn của tờ báo

Tạm thời định nghĩa phơi-dơ-tông là truyện dài kỳ, chưa in thành sách, được đăng hằng ngày hoặc hằng tuần trên báo, hay tạp chí. Nó là một “phát minh” của làng báo Pháp từ thế kỷ XIX. Người VN học cách làm báo từ người Pháp vì vậy những tờ báo VN thời kỳ đầu cũng đã có chuyên mục truyện dài kỳ để… bán báo. Theo nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân thì thời kỳ rực rỡ nhất của báo chí tiếng Việt từ năm 1913-1914 đến 1945 là báo văn hóa, văn nghệ, văn chương.

Ở Nam Kỳ, người Sài Gòn cũng đã đọc truyện dài kỳ (TDK) khoảng cuối những năm 1920. Từ sau năm 1945 ở Sài Gòn, khi xuất bản một tờ báo là các chủ báo, nhà quản lý phải nghĩ ngay đến các tác giả viết TDK ăn khách. Vì sao? Lý do đơn giản là TDK là một chuyên mục hấp dẫn người ta bỏ tiền ra mua báo. Một tờ báo chỉ cần có một TDK hay, ăn khách là sống khỏe, chủ báo chắc chắn có xe hơi, nhà lầu. Đó là trường hợp của các tờ nhật báoSài Gòn Mới với TDK của Bà Tùng Long, Thần Chung với tiểu thuyết Cô Bạch Mai do chính Chủ nhiệm Nam Đình viết, những năm 1951, 1952.

Ngay cả những tờ báo có tiếng về “lập trường chính trị” như Sống, Chu Tử cũng phải mời Bà Tùng Long viết TDK. Hoặc tờ Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm thì phải nuôi Duyên Anh với Điệu ru nước mắt - một truyện du đãng thời thượng lúc đó được cho là viết dựa theo cuộc đời trùm du đãng Đại Ca Thay.

Người đọc TDK lúc đó là ai? Theo ký giả Trần Quân của tờ Times Sài Gòn, “độc giả của Bà Tùng Long thuộc nhiều thành phần khác nhau, phần đông ở giới lao động, ít học, những người nội trợ muốn tìm cái chìa khóa hạnh phúc, những kẻ không có phương tiện để đến trường nghe lời giảng dạy của các thầy giáo, cả những quân nhân ở những vùng xa xôi hay những thủy thủ thiếu mái ấm gia đình”.

Đồng tình theo nhận định này, tác giả viết TDK chuyên nghiệp Gã Thâm viết: “Độc giả tiểu thuyết phơi-dơ-tông những năm xưa ở Sài Gòn đa phần là phụ nữ. Ngoài việc mỗi ngày đi chợ, thường là ra khỏi nhà vài bước là có chợ đầu xóm bán đủ thức ăn, ngoài việc nấu ăn, trông con, những phụ nữ ấy có nhiều thì giờ nhàn rỗi, họ đọc tiểu thuyết đăng từng ngày trong các nhật báo. Họ là lớp độc giả chính, trung thành của tiểu thuyết phơi-dơ-tông và họ rất chịu bỏ tiền mua báo. Báo nào có tiểu thuyết được họ đọc là báo bán chạy”.

Theo tôi, có lẽ hai tác giả nói trên vẫn còn phiến diện khi không nhắc đến những độc giả là đàn ông ở nhiều lứa tuổi và thành phần khi họ thích đọc những truyện trinh thám như Bàn tay máu của Phi Long (Ngọc Sơn), truyện võ hiệp kỳ tình Kỹ nữ Gò Ôn Khâu (Hoài Điệp Thứ Lang - nhà thơ Đinh Hùng), Lệnh xé xác (Lã Phi Khanh - Vũ Bình Thư) và kể cả nhiều tầng lớp trí thức mê say truyện chưởng của Kim Dung. Họ đã hằng ngày chờ đợi Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ… của “Cấm Dùng” Tiên Sinh (Kim Dung) qua cách chuyển ngữ rất giang hồ hành hiệp của Hàn Giang Nhạn. Nói không quá là nhật trình lúc đó sống nhờ truyện chưởng. Họ mua báo hằng ngày chỉ vì muốn đọc truyện chưởng dài kỳ của Kim Dung mà thôi.

Nghề viết phơi-dơ-tông

Bà Tùng Long, người viết TDK nổi tiếng, xác định viết TDK để nuôi con. Họ - nếu gọi là nhà văn - thì đây chính là những nhà văn đã sống bằng chính nhuận bút chứ không cần lương cố định của một tòa soạn nào. Theo tác giả Kiều Giang tự nhận xét: ‘Tôi trở thành thợ viết tiểu thuyết phơi-dơ-tông chuyên nghiệp, tôi sống bằng việc viết truyện phơi-dơ-tông”.

Lúc ấy, trong làng báo Sài Gòn đã xuất hiện những người viết TDK chuyên nghiệp, chỉ viết TDK để sống và chỉ sống bằng việc viết TDK. Viết xong, nếu ăn khách sẽ được nhà xuất bản mua để in thành sách, nhiều tác giả TDK tự xuất bản tác phẩm của mình như Ngọc Linh, Duyên Anh. Thí dụ như trường hợp của Dương Hà, sau khi thành công với TDK đầu tay Bên dòng sông Trẹm, từ năm 1952 Dương Hà chuyên viết tiểu thuyết cho nhật báo Sài Gòn Mới để sống cho đến khi báo này bị đóng cửa vào năm 1964.

 Có lẽ thấy viết TDK đăng nhật trình hằng ngày vừa có tiền sống lại vừa phổ biến được tác phẩm nhanh và rộng nên những nhà văn được cho là “chính thống” như Mai Thảo, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thụy Long… đều lao vào viết truyện dài kỳ cho các nhật và tuần báo. Nhờ TDK mà cuộc sống của họ dư dả và ổn định. Họ sống được là vì mỗi ngày họ phải cung cấp TDK cho ít nhất là hai tờ nhật báo như Bà Tùng Long hay nhà văn Phú Đức, tác giả Châu về hợp phố được cho là người viết TDK với kỷ lục viết cho năm tờ báo hằng ngày.

Đích thân Phú Đức phải đi giao bài cho từng tòa soạn vì sợ cảnh “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Đã từng có nhà văn do đãng trí đưa nhầm truyện viết cho báo B sang báo A nên hôm đó độc giả không hiểu tại sao anh Hùng đang đưa em Loan đi chơi tửu lầu Đồng Khánh thì lại xảy ra cuộc đánh ghen của hai bà ở tận xứ chó ăn đá, gà ăn muối Chắc Cà Đao và ngược lại.

Nhân vật “chết đi sống lại” vì tác giả… quên

 Để tránh tình trạng này, nhà văn Sơn Nam đến từng tòa báo, ngồi vào bàn viết yêu cầu nhân viên tòa soạn cho đọc truyện xem lại ngày hôm trước đã viết đến đoạn nào để ráp viết tiếp cho chắc ăn. Vì có lần sau khi truyện đã đăng báo thì ông chủ bút cho biết là nhân vật X. lần trước đã bị ông khai tử rồi sao bây giờ còn xuất hiện. Thế là ông tìm cách cho nhân vật “hồi dương” một cách hợp lý. Ngay cả Kim Dung cũng lâm vào tình trạng cho nhân vật võ hiệp bị chết vì đao kiếm đoạn trước sau đó xuất hiện và đánh tiếp ngon ơ!

Bạn đọc sẽ không thắc mắc tại sao có sự nhầm lẫn này nếu như bạn đã biết các cây bút TDK thường viết đủ số chữ cho phần “đất” trên trang báo chứ ít khi họ viết thành một quyển tiểu thuyết trước rồi lấy ra đăng lại như bây giờ. Chính vì lý do này mà nhà văn không được chểnh mảng vì bị “thúc vào đít” hằng ngày bởi trang báo đang để trắng. Và nhờ viết hằng ngày mà họ có thể đo lường sự quan tâm của bạn đọc về câu chuyện để có ý và hứng thú viết tiếp cho ngày hôm sau.

 Ông Nam Đình làm chủ báo nhưng lại là cây bút viết TDK. Hằng ngày ông thường la cà ở các sạp báo để hỏi người bán hoặc độc giả về câu chuyện và các nhân vật của ông xuất hiện trên báo ngày hôm nay. Có độc giả tức tối vì nhân vật nữ bị ám sát thì hôm sau ông liền cho nhân vật nữ sống lại một cách rất thuyết phục - cũng như trong phim, nhân vật chính chết thì lấy gì mà xem!

 Giao bài đủ số trang, số chữ là sự thuận lợi chỉ dành riêng cho người viết chứ các chủ báo, chủ bút thì lên ruột từng đoạn. Khi gần hết hạn đưa bài xuống nhà in, ấn công hối thúc thì chủ bút chỉ lạy trời cho ông “phơi” xuất hiện. Thỉnh thoảng khi không nhận được bài thì chỗ trống đó sẽ được trám vào bằng bài thơ thẩn, sưu tầm nào đó với dòng chữ cáo lỗi bạn đọc “Vì tác giả bệnh bất ngờ nên truyện phải tạm ngưng hôm nay. Mong bạn đọc thông cảm và chờ đọc vào số báo ngày mai”. Đến chế độ Nguyễn Văn Thiệu, các bài viết trái ý kiểm duyệt sẽ bị đục bỏ nên tranh thủ và cũng để châm biếm sự kiểm duyệt báo chí, các tòa soạn thường dùng bốn chữ “Tự ý đục bỏ” làm cho bạn đọc tưởng truyện đang có “vấn đề” hay thiên Cộng.

Cũng có khi nhà văn bị bệnh dài ngày thì những người trong tòa soạn sẽ cùng nhau viết tiếp truyện đang dang dở. Các nhân vật ra sao thì ra để tác giả hết bệnh tự xử trí. Đây là trường hợp của truyện dài Một triệu đồng của nhà báo Như Phong đăng trên nhật báo Tự Do. Khi Như Phong bị lao phổi, do truyện đang ăn khách, tòa soạn quyết định tiếp tục. Trong hồi ký Tôi làm báo, nhà văn - nhà giáo Tạ Quang Khôi kể lại: “Ông Nguyễn Hoạt yêu cầu mỗi người viết một đoạn để chờ ông Như Phong đi làm lại”. Và truyện dài của nhà báo Như Phong đã được nhà thơ Đinh Hùng, nhà báo Nguyễn Hoạt và sau đó là Tạ Quang Khôi viết thay cho tới khi nhà báo Như Phong trở lại tòa báo.

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm