Ba nhà báo Dương Tử Giang, Trần Tấn Quốc, bà Bút Trà trong quyển sách của Trần Nhật Vy được xem là những kỳ nhân của làng báo Sài Gòn thập niên 1930-1940 nói riêng và báo chí quốc ngữ nói chung.
Ba gương mặt làm rạng danh nghề báo
. Phóng viên: Thưa anh, vì sao anh lại chọn viết về những nhà báo quốc ngữ Sài Gòn - những đồng nghiệp tiền bối của mình?
+ Nhà báo Trần Nhật Vy: Trong lịch sử báo chí quốc ngữ dài đằng đẵng 150 năm, làng báo quốc ngữ Sài Gòn trải qua bao thăng trầm, sản sinh ra bao lớp nhà báo với hàng ngàn người đến rồi đi. Chỉ một số rất ít gương mặt nhà báo được nhắc đến trong một vài bài viết, vài hồi ký ngắn, đa số còn lại đến nay đã chìm vào quên lãng. Trong số những nhà báo đi trước phải có những người hết lòng vì nghề báo. Phải có những người đã dành cả cuộc đời cho nghề báo. Phải có những gương mặt làm rạng danh nghề báo. Bởi không phải tự nhiên mà nghề báo được xã hội kính trọng, tin tưởng. Tôi viết quyển sách vì những cảm nhận như thế.
. Trong số những gương mặt nhà báo quốc ngữ Sài Gòn, vì sao anh chọn ba nhân vật đã viết?
+ Tôi chọn họ vì cả ba đều có điểm xuất phát chung là gia đình không có truyền thống làm báo, không có bà con họ hàng nào dính đến nghề báo. Cả ba đều là chủ báo một thời, đều tâm huyết với nghề báo và sống chết với nghề này từ thuở trẻ đến khi không còn hơi sức nữa. Vậy nhưng ba người lại là ba phong cách, ba sự thành đạt trong nghề khác nhau. Và cuối cùng là vấn đề tư liệu tôi tìm được về họ đủ để có thể viết.
Nhà báo Trần Nhật Vy nói rằng ước mơ của anh là được viết nhiều hơn về những nhà báo vang bóng một thời ở Sài Gòn nhưng tư liệu khó kiếm quá.
Lừng lẫy sự nghiệp nhà báo Trần Tấn Quốc
. Anh nhấn mạnh vào điều gì ở các nhân vật của mình?
+ Trong ba gương mặt trên thì hai nhà báo Dương Tử Giang và Trần Tấn Quốc hiện có tên đường ở TP.HCM và Đồng Tháp. Ông Dương Tử Giang nổi tiếng trong làng báo Sài Gòn vì sống chết với nghề báo và con đường cách mạng. Ông được xem là một “Triệu Tử Long” của làng báo Sài Gòn. Ông làm báo để truyền bá những nhận thức mà ông cho là cách mạng, yêu nước; đả phá sự thối nát trong chính quyền thực dân Pháp, đánh vào những nhận thức phi dân tộc, đánh vào những tệ nạn xã hội làm băng hoại con người. Những bài báo của ông khiến chính quyền đương thời đau đầu nhức óc.
Ông Trần Tấn Quốc từ một phóng viên lên làm chủ báo. Ông đứng giữa hai lằn ranh chủ nghĩa yêu nước - chính quyền thực dân nhưng đã nghiêng về phía yêu nước. Ông là người đầu tiên mở mục “kịch trường” trên báo Tiếng Dội từ những năm 1950 mà trước đó báo chí Sài Gòn chưa có mục này thường xuyên. Về sau “kịch trường” trở thành trang văn hóa nghệ thuật ở nhiều tờ báo từ Nam chí Bắc. Ông sáng lập ra giải thưởng Thanh Tâm vô cùng uy tín, danh giá dành cho nghệ thuật cải lương đang hưng thịnh bậc nhất lúc bấy giờ và vinh danh được nhiều nghệ sĩ cải lương thế hệ vàng tên tuổi còn đến ngày nay. Ông còn là cây bút viết phóng sự điều tra, bút ký lịch sử rất tốt, nhiều tác phẩm đến nay vẫn còn giá trị.
Không viết nổi một câu văn nhưng duyệt đăng tờ báo bán chạy nhất
. Nghe anh từng nói “bà Bút Trà mới là một kỳ nhân thật sự của làng báo Sài Gòn”, vậy chân dung bà chủ bút này như thế nào trong cuốn sách?
+ Từ một người đàn bà chỉ lo việc buôn bán, bị đánh giá không viết nổi một câu văn, bà Bút Trà trở thành một chủ báo lâu đời nhất và thành công nhất Sài Gòn từ trước năm 1975. Tờ Sài Gòn Mới của bà bán chạy nhất thời bấy giờ, quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng như bà Tùng Long, Hồng Tiêu, Thiếu Lăng Quân, Hàn Mạc Tử, Hoàng Hải Thủy… Trên tờ báo của bà xuất hiện mục gỡ rối tơ lòng đầu tiên của làng báo hiện đại tính cho đến hôm nay. Bà mở thêm hai tờ báo Phụ Nữ Tân Tiến, Phụ Nữ Diễn Đàn… Từ nghề báo bà sáng lập và trở thành chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam năm 1952, chủ tịch Hội Bình dân học vụ. Bà đã chứng minh rằng làm báo không nghèo mà làm báo là nghề sống được bằng phương châm: “Tôi chỉ cho đăng bài chị bán cá đọc cũng hiểu được”. Không viết được một bài báo nào nhưng chính bà là người duyệt cho đăng mỗi bài báo trên những tờ báo bán chạy bậc nhất của mình.
. Xin cám ơn anh.
“Chỉ cho đăng bài mà chị bán cá đọc cũng hiểu” Trích từ Ba nhà báo Sài Gòn của Trần Nhật Vy: “Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã viết trong hồi ký văn nghệ rằng bà Bút Trà tên thật Tô Thị Thân là một nhà kinh doanh thành đạt có 20 hiệu cầm đồ. Báo chí thời đó chửi bà “Tiệm cầm đồ hút máu nên dẹp bỏ”... Bà phẫn nộ nói rằng những người Ấn Độ cho vay cắt cổ sao báo không chửi và bà muốn ra báo để chửi lại những tờ báo chửi bà. Bà thuê ông Bút Trà, về sau trở thành chồng bà, làm chủ báo nhưng thật ra mọi chuyện đều do bà điều hành và do đó bà có tên là bà Bút Trà. Bình Nguyên Lộc viết: “Chính bà Tô-Thị-Thân làm chủ bút thật sự, một trăm phần trăm. Chính mắt bà xem lại bài vở của nhân viên tòa soạn. Chính tay bà chọn bài lai cảo, như thế mãi cho đến ngày tờ báo bị đốt nhà,... Rõ ràng đó là một người đàn bà oanh-liệt. Và tờ báo bán mạnh là nhờ cả ở bà, chớ ông Bút-Trà chẳng trổ tài được lần nào hết. Tiểu thuyết gia Trọng Nguyên, Tổng Thư ký tòa soạn của nhật báo Sài Gòn Mới, có tâm sự với tôi: “Bà nói một câu khiến tôi phục lăn bà:“Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu. Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu”. Thật là chí lý. Và nhờ đường lối đó mà báo của bà có đông độc giả. Việc tặng quà, việc ra báo có màu có mè, quả có giúp thêm cho bà rất nhiều nhưng đường lối hạ thấp phong độ vẫn cứ giữ vai trò hữu hiệu của nó”. Nhà báo Hoàng Hải Thủy kể: “Bà bảo tôi:“Làm báo mê lắm, anh ạ. Dù mình phải bán cái áo cuối cùng để ra thêm được một số báo, rồi báo chết, mình cũng bán””. |