Bởi vậy người Sài Gòn ngày xưa đã từng được đi xe lửa Mỹ - dù lúc ấy người Mỹ còn ở tận đẩu đâu. Nhưng Mỹ ở đây là... Mỹ Tho!
Theo nhà văn Sơn Nam trong bài Con Tàu Mỹ Tho (Nhân Loại): “Phải có đường xe lửa để Sài Gòn xứng danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, Hội Đồng Thuộc Địa họp tại Sài Gòn năm 1880, ông Nghị Paul Blanchy muốn xe lửa chạy tới Mỹ Tho. Ông kỹ sư Thevenet bảo đảm rằng khỏi bắc cầu ngang sông Bến Lức và Tân An, có thể dùng đò máy mà sang hành khách và hàng hóa như xe lửa sông Rhin bên Pháp”. Đường xe lửa Mỹ được chính quyền Pháp giao cho một công ty của Pháp khởi công từ năm 1881, khánh thành ngày 20-7-1885. Trạm xe lửa Sài Gòn, tức ga Sài Gòn đầu tiên (1885-1915) có vị trí ở đầu đường Rue de Canton (Hàm Nghi), gần sông Sài Gòn, đến năm 1915 thì dời đến ngay trung tâm, đầu Công viên 23-9 ngày nay.
Đường xe lửa Mỹ đi qua các trạm như sau: Sài Gòn, Chợ Lớn, Phú Lâm, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình An, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương và Mỹ Tho dài gần 71 km. Từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho có ba chuyến và ngược lại, mỗi chuyến mất hai tiếng. Chuyến đầu tiên 6 giờ rưỡi sáng khởi hành đến Mỹ Tho 8 giờ rưỡi sáng. Thật là tiện lợi vì lúc ấy từ Sài Gòn xuống các tỉnh miền Tây chỉ sử dụng đường thủy nên đường xe lửa này đã rút ngắn thời gian vận chuyển rất nhiều, không chỉ thuận lợi cho giao thông buôn bán mà còn cả phương diện tình cảm, yêu thương nữa:Làm thơ quốc ngữ, để chữ Lang Sa/ Mười giờ xe lửa lại gửi qua thăm mình. Nhờ xe lửa mà Cầu Bình Điền xe lửa chạy nghiêng nghiêng/ Em gặp anh trên thủy dưới thuyền. Sướng chưa! Lúc đó không chỉ có hạng bình dân đi xe lửa mà văn nhân, nhà báo, các đại gia lúc đó như Hắc, Bạch công tử thỉnh thoảng cũng đi cho biết.
Đến năm 1958, đường xe lửa ngưng hoạt động và ga Mỹ Tho chỉ còn “tàn tích” ở khu vực gần vườn hoa Lạc Hồng. Trong một truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc viết về mối tình câm của một anh soát vé xe lửa Mỹ Tho đã thề bồi: Ù ơ... / Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành/ Tàu Tây lủng đáy anh mới đành xa em. Lời thề của một anh tình nhân ngày xưa bây giờ đã thành hiện thực. Đường xe lửa này đã lâu đời lắm nên người ta mới chỉ nó mà thề thốt mỗi khi yêu đương, cho đến thành ca dao, thành câu hát. Xe lửa Mỹ và tàu Tây kiên cố như thế sao lại bung vành làm chi cho người ta phải đứt ruột?
Có lẽ “trời thương” người soát vé trong truyện nên thời nay, một dự án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao từ TP.HCM sẽ đi ngang Mỹ Tho và ga cuối cùng là Cần Thơ đã hoàn thành hồ sơ khả thi. Đại diện năm tỉnh, thành liên quan đã thống nhất hướng tuyến mới do Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam đề xuất sau gần năm năm nghiên cứu. Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ song hành với đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu. Hướng tuyến mới rút ngắn còn 139 km, từ ga đầu Tân Kiên TP.HCM đi qua các ga thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và ga cuối là cảng Cái Cui TP Cần Thơ.
Biết đâu chẳng có những anh soát vé tuyến xe lửa TP.HCM - Cần Thơ, hay chàng du khách nào đó lại chẳng tìm được một tình yêu của những cô gái Mỹ Tho trong một lần ghé ga nhỏ tiếp nối tiền bối như ngày xưa theo vành bánh xe lửa Mỹ? Biết đâu, biết đâu…