Năm 1958, sau hơn 70 năm chạy tàu, tuyến đường sắt quốc gia Sài Gòn-Mỹ Tho ngưng hoạt động. Chiến tranh và thời gian đã xóa dần các dấu vết của tuyến đường. Đến nay ta chỉ có thể hình dung ra nó qua các hạng mục còn sót lại như trụ cầu, nhà ga, các trụ điện đứng rải rác hoặc bị quăng quật ở Sài Gòn, Tân An và Mỹ Tho…
Còn đó những trụ cầu
Nhà sử học Nguyễn Ðình Ðầu cho biết ý muốn ban đầu của Pháp là xây tuyến đường sắt đến Vĩnh Long, sau đó nối tiếp đến Phnom Penh (Campuchia). Song do cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của họ gặp khó khăn nên chỉ xây đến Mỹ Tho mà thôi.
Theo các sử liệu, giữa năm 1885, tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho hoàn thành. Lúc đầu người Pháp cho cả đoàn tàu 10 toa vượt các sông Chợ Đệm ở Bình Điền, Vàm Cỏ Đông ở Bến Lức và Vàm Cỏ Tây ở Tân An bằng phà. Một năm sau cầu đường sắt vượt các sông này mới được xây xong và dùng đi chung với quốc lộ 1.
Ở Sài Gòn, lần theo đến cuối con đường đi ngang Công ty Phân bón Bình Điền, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, ta bắt gặp trụ cầu nằm ngay sát mép sông Chợ Đệm được xây bằng đá hộc ở dưới và gạch thẻ ở phía trên. Ở phía bên kia sông, cuối đường Rạch Cát thuộc phường 7, quận 8 cũng có một trụ cầu tương tự. Đây chính là hai trụ cầu đường sắt Bình Điền, vượt sông Chợ Đệm, nằm cách cầu đường bộ hiện hữu về phía hạ lưu khoảng 300 m.
Tàu lửa Sài Gòn-Mỹ Tho xưa đang “lụy” phà. Ảnh: amazingvietnam.vn
Đến nay, khu vực còn nhiều trụ cầu đường sắt tuyến Sài Gòn-Mỹ Tho là Bến Lức. Ở hai đầu bắc và nam sông Vàm Cỏ Đông còn hơn mười trụ, mố và đường dẫn lên xuống cầu Bến Lức xưa. Một số trụ được xây bằng đá hộc từ thời Pháp thuộc. Một số trụ khác đúc bằng bê tông cốt thép theo công nghệ của Mỹ, được làm sau năm 1954.
Giữa năm 2004, sau nhiều năm bị bỏ không, cầu sắt Eiffel Tân An đã được tháo dỡ. Dấu tích còn lại về tuyến đường sắt đi qua đây là chòi canh xây bằng đá hộc và gạch đinh ở phía bờ bắc. Trước 1975, kế bên chòi canh đường sắt còn có thêm lô cốt bằng bê tông cốt thép được xây lên để bảo vệ cầu đường bộ. Còn ở bờ nam hiện vẫn còn phần trụ sát bờ sông và mố đất tiếp giáp với đường dẫn xuống cầu chạy xuôi đến trước Bưu điện TP Tân An.
Cả ba cầu Bình Điền, Bến Lức và Tân An đều là cầu đơn, đi chung và cao hơn mặt nước (tĩnh không thông thuyền) khoảng 10 m để cho các loại tàu thuyền lưu thông bên dưới dễ dàng. Trên đoạn từ Bến Lức xuống ngã ba Trung Lương, các cây cầu như cầu Ván, cầu Voi, cầu Tân Hương, cầu Bến Chùa... đều là cầu đôi và thấp. Vì sao vậy? Vì những cầu này vượt qua các con rạch nhỏ, không có ghe tàu lớn lưu thông nên người Pháp làm cầu dạng thấp và tách hẳn cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt. Sau khi xe lửa không còn, các chiều cầu dành cho xe lửa được dùng luôn cho đường bộ đến ngày nay. Đó cũng là những chỉ dấu của tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho xưa còn lưu lại trên quốc lộ 1A.
Trăm năm giếng nước, nhà ga
Trên tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho dài 72 km có 15 nhà ga. Các nhà ga đều xây theo một kiểu giống nhau, nhà hai mái, tường bằng gạch đinh dày 20 cm, hai đầu hồi của hè nhà hướng ra phía đường rầy xây theo kiểu vòm cuốn. Năm 2006, trong một chyến khảo sát Bến Lức, chúng tôi gặp bà Trần Thị Phương, khi ấy 76 tuổi, đã sống trong ngôi nhà như thế ở ga Gò Đen hơn 60 năm.
Nhà ga Mỹ Tho xưa. Ảnh: daumaytoaxe.com
Tại các ga đi qua thị tứ, thị xã đều có giếng nước xây bằng gạch đinh, đường kính trong của giếng hơn 1 m, mặt thành giếng rộng tới 40 cm. Những giếng nước này để cho phu xe lửa đi qua, người làm ở nhà ga sử dụng. Cũng trong chuyến đi giữa năm 2006, chúng tôi gặp ông Huỳnh Văn Nghiệp, 73 tuổi sống bên cạnh giếng nước của nhà ga Gò Đen. Ông Nghiệp bảo đã sống và uống nước từ cái giếng này hơn 40 năm. Như thế, đến thời điểm năm 2006, nhà ga, giếng nước đã có hơn 120 năm tuổi và vẫn dùng tốt. Năm 2009, khu vực nhà ga Gò Đen bị giải tỏa để xây dựng công trình khác.
Năm 2006, tại TP Tân An vẫn còn giếng nước tại khu nhà ga cũ quay mặt ra quốc lộ 1A. Giếng nước được gia đình bà Phạm Thị Liên làm nơi thờ cúng và sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày. Giếng nước này nằm lọt trong khu nhà bốn căn liên kế thuộc cơ sở Phước Thiện chuyên cung cấp áo quan. Năm 2012, trở lại khu vực này thì nhà cũ đã tháo dỡ, nhà mới được xây lên. Chủ nhà cho biết khi xây nhà mới đã đập, lấp bỏ luôn giếng cũ vì đã có nước máy để dùng rồi.
Trụ điện: Cái còn, cái mất
Ở Tân An, một dấu tích còn lại có lẽ là trụ điện nằm ngay giữa hai nhà số 21 và 23, quốc lộ 1A, phường 4, khu vực nhà ga cũ tọa lạc. Nhìn trụ điện bằng sắt trên thì không thể lẫn với các loại trụ sau này. Vì giữa bốn thanh sắt đứng hình chữ V, các thanh ngang và thanh giằng chéo được kết nối bằng đinh tán river của người Pháp xưa (trụ đèn sắt sau này của Mỹ hay của ta kết nối bằng bulon hoặc hàn chết).
Ga cuối tuyến nằm ngay trong TP Mỹ Tho, ở đầu đường Trưng Trắc, bên bờ sông Tiền, gần vườn hoa Lạc Hồng bây giờ. Nhà ga được kiến trúc theo kiểu Pháp, hai tầng, mái ngói, vách tường dày, cửa ra vào ở tầng dưới và cửa sổ tầng trên được làm theo kiểu vòm cuốn hình bán nguyệt… Sau này, khi sửa chữa nhà, ở một số ô người ta thay cửa sổ cũ bằng cửa mới hình chữ nhật. Nhà ga vừa gần chợ vừa gần sông tạo nên sự liên hoàn giao thông bộ-thủy-sắt. Ở các góc đường bao quanh nhà ga hiện vẫn còn một số trụ đèn bằng sắt kiểu Pháp xưa.
Vòng quanh TP Mỹ Tho ta sẽ thấy dấu tích còn lại của đoạn cuối tuyến đường sắt là hai trụ cổng phía bắc nhà ga, nơi đón và đưa các đoàn tàu vào ra ga mỗi ngày. Vài năm trước, ở kế bên hai trụ cổng trên có trụ đèn bằng sắt, tán đinh river của người Pháp dựng năm xưa để cấp điện cho cổng xe lửa và khu nhà ga. Nay khu vực cổng xe lửa đi vào nhà ga này là quán cơm Cây Me, 60 Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhưng trụ đèn thì đã được tháo bỏ để mở rộng vỉa hè.
“Bác định đi tìm cái trụ đèn xưa ấy ư? Nó còn cứng lắm đó nhưng có lịnh mở đường, làm vỉa hè mới là người ta cắt sát chưn (chân) rồi cẩu lên xe đem tấp vô bờ tường gần phía thư viện tỉnh kia!” - người làm ở quán cơm Cây Me chỉ cho tôi. Theo chỉ dẫn trên, cuối cùng tôi tìm ra không chỉ một mà cả đống trụ đèn kiểu Tây bị quăng nằm xếp lớp nơi vỉa hè, bên hông thư viện tỉnh.
Vâng, TP Mỹ Tho đang phát triển nên mọi hiện vật xưa cũ như những cây trụ đèn này có số phận của nó: nằm quăng quật nơi vỉa hè thay vì được đưa vào các bảo tàng.
Chỉ còn trong những câu ca Ngày 20-7-1885 chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn đi Mỹ Tho. Từ đấy, mỗi ngày có bốn đôi tàu chạy trên tuyến đường này. Chuyến đầu tiên xuất phát từ Mỹ Tho lúc 1 giờ 30 sáng, đến Sài Gòn lúc 5 giờ. Ở đầu ga Sài Gòn, tàu cũng xuất phát trùng giờ. Chuyến thứ hai lúc 9 giờ sáng, chuyến thứ ba lúc 1 giờ chiều và chuyến cuối lúc 6 giờ tối. Mỗi chuyến mất 3 tiếng rưỡi do phải vượt sông bằng phà. Về sau, do có ba cây cầu vượt sông nên thời gian chạy tàu rút xuống còn 2 tiếng rưỡi, nhanh gần bằng các phương tiện hiện đại bây giờ. Tàu đi luôn đúng giờ, tàu đến có lúc trễ đôi chút và theo quy định, cả khi tàu đi hoặc đến các ga đều phải kéo ba hồi còi (súp-lê). Vì thế trong dân gian lan truyền câu ca: Mười giờ tàu đến Bến Thành/ Súp-lê vội thổi bộ hành lao xao. Xe lửa lúc đó còn chạy bằng hơi nước, phải dùng than đốt nồi supde nên chạy khá chậm, leo dốc yếu. Trước khi leo các dốc cầu cao như Bình Điền, Bến Lức, Tân An, công nhân liên tục gò lưng xúc than đổ vào lò cho nồi supde đủ hơi đặng đẩy tàu lên dốc. Vậy mà mỗi lần leo dốc cầu Tân An, cả đoàn tàu phải tuột lên tuột xuống ba, bốn lần mới qua được. Chuyện kể rằng có anh Hai Sài Gòn ham chơi, mê đờn ca và kết thân được với một người đẹp ở dưới Tân An nên mỗi chiều thứ Bảy là lại đáp tàu lửa xuống thăm. Cám cảnh tàu leo dốc nhọc nhằn, anh Hai Sài Gòn mới ca rằng: Tàu chiều lên dốc Tân An/ Leo lên, tuột xuống mới sang bên nường. |
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN