THÀNH PHỐ NGHĨA TÌNH - BÀI KẾT:

Nhà báo Nam Đồng nói về ân tình người Sài Gòn

Người Sài Gòn mang hào khí của Nam Bộ. Hào khí ấy bắt nguồn từ mấy trăm năm trước, khi những lưu dân vào khai khẩn Nam Bộ phải đối phó với những khắc nghiệt của thiên nhiên nên câu kết lại và từ đó nảy sinh tinh thần tương thân tương ái.

Sau thời điểm đổi mới năm 1986, đất nước xóa bỏ cơ chế bao cấp, xóa bỏ tư duy ỷ lại mọi thứ có Nhà nước lo đã mở đường cho lòng nhân ái, cho người giúp người. Có thể dẫn chứng ra đây hàng loạt sự việc lớn như các chương trình bảo trợ bệnh nhân nghèo đã huy động hàng ngàn tỉ đồng, chương trình Vì ngày mai phát triểnđã giúp đỡ cho hàng vạn học sinh-sinh viên tiếp tục ước mơ học hành và nhiều người đã thành những tài năng của đất nước…

Ca sĩ Chế Linh (giữa) phục vụ tại quán cơm Nụ Cười. Bên trái là nhà báo Nam Đồng. Ảnh: Hòa Bỉnh

Bản thân tôi ngày xưa khi còn là một sinh viên hoạt động nội thành, nhờ những quán cơm xã hội thời ấy với giá 5 đồng một bữa ăn mà tôi và nhiều bạn bè khác được ấm bụng, yên lòng. Sau này vào khoảng năm 2010, tôi đã gặp một người bạn là anh Lê Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Truyền thông Sơn Ca, cũng đang có khát vọng xây dựng quán cơm cho người nghèo.

Anh Chính cùng tôi xin giấy phép ra đời quỹ từ thiện Tình thương để lo cho người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có chương trình quán cơm 2.000 đồng ra đời từ năm 2012. Những ngày đầu tiên, tôi được những người bạn như anh Lê Hoàng (nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ), anh Trần Minh Đức (Chủ tịch HĐQT Công ty Thế Kỷ 21) và các anh Nguyễn Lạc, Bùi Huỳnh Anh, Đặng Hồng Ân, Lưu Đình Triều… người góp sức, người góp tiền để xây dựng những cơ sở vật chất ban đầu cho quán cơm. Chúng tôi tạo lập chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười, lấy đúng tên quán cơm ngày xưa chúng tôi đã từng ăn như một cách trả nợ ân tình với mảnh đất này.

Đến nay hệ thống ấy trong TP đã được năm quán. Chi phí cho mỗi quán không dưới 100 triệu đồng/tháng. Nếu nhân lên gần ba năm qua thì con số mọi người cùng góp vào quán cơm để phục vụ người nghèo phải lên đến hàng chục tỉ đồng. Những bàn tay góp vào không chỉ là những người khá giả mà cả những người trung lưu, người có thu nhập thấp cũng quan tâm, giúp đỡ cho người nghèo có bữa ăn tươm tất.

Tôi rất xúc động với nhiều nghĩa cử như có một chị đi làm giúp việc nhà đóng góp mỗi bữa một chai nước tương khoảng 20.000 đồng. Một nhóm những em học sinh dành tiền cha mẹ cho ăn trưa để dôi ra 18.000 đồng đóng cho quán. Những anh em chủ trương tạo lập quán cơm xã hội Nụ Cười chỉ là những người đào mương khơi rạch cho mạch nước ngầm nhân ái lan tỏa thành suối, thành sông.

Mấy năm xây dựng và phát triển hệ thống quán cơm 2.000 đồng, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc lòng nhân ái của người Sài Gòn.

BSLÊ QUANG NINH,Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM:

Xúc động trước sự san sẻ yêu thương

Nhà báo Nam Đồng nói về ân tình người Sài Gòn ảnh 2
Bên cạnh phong trào hiến máu nhân đạo đứng đầu cả nước, Hội Chữ thập đỏ còn có chương trìnhBữa cơm ngon cho người già neo đơnđược phát động trên 30 năm nay tại quận 3 và sau đó phát triển rộng khắp địa bàn TP. Ban đầu các thanh niên xung kích của hội đi vận động những quán cơm cho cơm miễn phí những người già neo đơn trên địa bàn, các thanh niên, học sinh đến quán cơm lấy cho người già neo đơn ăn, chuyện trò cùng với họ. Sau đó chương trình mở rộng ra bằng cách tổ chức chăm sóc sức khỏe, làm vệ sinh, khám-chữa bệnh cho người già…

Chương trìnhKhám-chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồngcủa Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đã thu hút rất đông lực lượng y, bác sĩ tình nguyện tại các bệnh viện trên địa bàn TP tham gia (trên 500 người). Chương trình “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” vận động người dân và các đơn vị trong TP tham gia hỗ trợ cho một địa chỉ khó khăn cũng thu hút rất đông người có lòng hảo tâm tham gia.

Là người điều hành công tác nhân đạo này, tôi rất xúc động trước sự san sẻ yêu thương của người dân TP. Chúng ta không thể so sánh được 5.000 đồng của một cháu học sinh để đóng góp cho các bạn bị lũ lụt miền Trung với hàng tỉ đồng của doanh nghiệp lớn vì đó đều là tấm lòng vì mọi người. Có một chú bán vé số cụt hai chân tháng nào cũng dành tiền lời đến Hội Chữ thập đỏ giúp người nghèo khó hơn… Những tình cảm ấy không sao kể hết được.

ÔngVÕ TRUNG TÂM,Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM:

Nguồn lực nhà nước không thể lo xuể

Nhà báo Nam Đồng nói về ân tình người Sài Gòn ảnh 3
Từ sau năm 1975 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn Sở LĐ-TB&XH vẫn chăm lo cho người già neo đơn, lang thang, người khuyết tật, tâm thần, người nhiễm HIV, trẻ mồ côi…

Một vài mô hình của Sở đã là mô hình đầu tiên và duy nhất trong cả nước như Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân nuôi trẻ nhiễm HIV, Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM tổ chức dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật…

Để làm được điều này, nguồn lực nhà nước không thể lo xuể nên việc xã hội hóa, kêu gọi lòng hảo tâm của các nơi trong và ngoài nước là chuyện tất nhiên. Trong suốt chiều dài 40 năm đó, đồng bào giàu lòng nhân ái đã cùng đồng hành với TP chăm lo cho các đối tượng đặc biệt mà không chút vụ lợi. Chẳng hạn, tiền ăn của người tâm thần chỉ đủ cơm trưa và chiều nhưng nhờ sự ủng hộ cơm, cháo từ thiện của các mạnh thường quân, hai cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần của TP mới đủ sức trang trải. Có nhiều tiểu thương nghèo tự quyên góp lại rồi cứ cuối tuần hoặc lễ, tết đến các trung tâm nấu một bữa cơm làm ấm lòng người. Đây là điều Sở rất cảm kích và biết ơn.

Sắp tới, để hoạt động tình nghĩa lan tỏa và hiệu quả, Sở tiếp tục tạo điều kiện và thực hiện thủ tục thuận lợi hơn cho các nhóm thiện nguyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm