Anh Ngô Quang Vinh dẫn chúng tôi đi qua con hẻm nhỏ, băng qua cây cầu gập ghềnh để vào căn nhà vách lá dừa của mình ở khu phố Hưng Thạnh, thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ. Căn nhà được cất trên một khoảnh đất mượn tạm của xã, nước ngấp nghé ngoài sân, chực tràn vô nhà mỗi lúc trời mưa.
Trên bức vách của căn nhà dán đầy những bức tranh vẽ nhiều màu. Tác giả của những bức tranh là Ngô Huỳnh Như, con anh Vinh, đang học lớp 6 Trường THCS Hưng Thạnh. Như cho biết: “Con thích vẽ lắm. Mấy cô chú cho bút màu, con tự tập vẽ. Con coi phim hoạt hình, thích nhân vật nào vẽ theo nhân vật đó”.
Hai chị em song sinh đều mắc bệnh
Mấy cô chú mà Như nói tới là những người đã kết nối gia đình Như với chương trình mổ tim miễn phí của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM (BTBNN). Trước đây Như bị bệnh hở van tim. Cha mẹ Như đưa con đi bệnh viện mấy lần rồi lại đưa về vì thu nhập từ nghề cào nghêu không thể lo nổi chi phí cho một ca mổ cả trăm triệu đồng. Như cầm cự được một thời gian thì được chương trình “Phẫu thuật tim cho trẻ em bẩm sinh” giới thiệu mổ tim vào tháng 8-2014.
Sau ca mổ, Như khỏe dần lên, không còn những cơn đau như trước. Đây là lần thứ hai gia đình em mừng rơi nước mắt vì trước đó em gái song sinh của Như là Huỳnh được phát hiện bệnh tim sớm hơn và cũng được Hội BTBNN hỗ trợ mổ tim miễn phí. Nhiều năm qua, Như và Huỳnh luôn là học sinh giỏi. Những bức tranh và giấy khen của hai chị em treo khắp các bức vách, làm sáng căn nhà tạm tranh tối tranh sáng. Anh Vinh nói trước đây anh không dám nghĩ đến ngày mai khi thấy hai đứa con èo uột vì bệnh nặng. Giờ mỗi khi nhìn con và những bức tranh con vẽ, anh như trút được gánh nặng, đã dám mơ về tương lai sáng là sẽ biến ước mơ làm cô giáo của con thành hiện thực.
Hai chị em Như, Huỳnh được hỗ trợ mổ tim. Ảnh: H.MINH
Huỳnh, Như… là hai trong số 6.600 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh được cộng đồng chung tay giúp các em có trái tim khỏe mạnh và Hội BTBNN là cầu nối để thực hiện điều đó.
Nói về những đóng góp của cộng đồng, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội BTBNN, tâm sự: “Có những nhà hảo tâm góp đều đặn mà không muốn nêu tên. Có chủ doanh nghiệp chung tay cả tỉ đồng mỗi năm; khi làm ăn thua lỗ, họ vẫn cố sức duy trì mức hỗ trợ này để bệnh nhân nghèo được khỏe mạnh. Họ không cần trao bằng khen, giấy khen gì cả mà chỉ mong muốn chúng tôi hãy theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sau mổ để khi cần thì họ tiếp tục góp sức. Họ chỉ cần thấy các em nhỏ nhà nghèo mắc bệnh tim được lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc. Điều đó làm chúng tôi rất cảm động!”.
Trái tim khỏe đong đầy lòng nhân ái
Chị Võ Thị Tuyết Khoa, công nhân may của Công ty TNHH Sản xuất Upgain Việt Nam (Thủ Đức), bị bệnh hở van tim, thông liên nhĩ nên sức khỏe rất yếu. Là con cả trong gia đình nghèo khó, cha mẹ già yếu, lại có em bị tật, chị phải khoác lên vai trách nhiệm gánh vác gia đình. Một mình chị vào TP.HCM tìm việc làm, gửi tiền về nuôi cha mẹ, nuôi em. Khi LĐLĐ giới thiệu chị đi làm hồ sơ để chuẩn bị cho ca mổ, chị vẫn ngần ngừ vì sợ không đủ tiền.
Sau ca mổ tháng 7-2014, chị đã khỏe hơn rất nhiều và có thể làm được nhiều việc hơn. “Nếu không nhờ người tốt giúp đỡ thì tôi đã không có được sức khỏe như hôm nay. Mỗi ngày tôi đều thầm biết ơn vì điều đó. Tôi mong nhiều chị em công nhân khó khăn khác cũng được may mắn như mình”.
Ông Phạm Văn Út là công nhân Công ty TNHH Dịch vụ công ích Gò Vấp. Ông tuổi cao, bị bệnh hẹp van tim nhưng vẫn là trụ cột gánh vác gia đình. Trước đây ông làm công nhân quét rác. Công việc cực nhọc khiến bệnh hẹp van tim của ông ngày một nặng hơn nên ông đành nghỉ. Song ông nghỉ thì con không có tiền học, nhà không có tiền trang trải.
Ông lại xin đi làm bảo vệ, nhiều hôm choáng mệt lại xin nghỉ. Mấy lần bác sĩ chỉ định mổ tim, ông đều xin về vì không thể mượn đâu ra số tiền trăm triệu. “Mà nếu có người cho mượn, tôi cũng không biết lấy gì trả…” - ông nói.
Cách đây ba tháng, công ty thông báo ông sẽ được mổ tim vì có chương trình do LĐLĐ hỗ trợ. Sau ca mổ, LĐLĐ TP đến thăm.
Niềm vui làm ông phục hồi nhanh đến không ngờ, dù vết sẹo mổ còn cộm lên, ửng đỏ trên ngực. Hằng ngày ông đến công ty trực ca từ chiều đến tận khuya. Ông thấy ấm lòng vì trái tim đang dần khỏe mạnh đong đầy những tấm lòng nhân ái của người dưng.
Tấm vé nghĩa tình, gia đình đoàn tụ Hơn bảy năm qua, nhờ chương trình Tấm vé nghĩa tình, nhiều người lao động đã có dịp đoàn tụ cùng gia đình sau nhiều năm xa cách. Chương trình Tấm vé nghĩa tình bắt đầu thực hiện từ năm 2007 xuất phát từ nhu cầu đoàn tụ với gia đình của người lao động mỗi dịp tết đến xuân về. Đến năm 2015, TP.HCM đã trao hơn 30.000 vé xe cho công nhân về quê đoàn tụ gia đình. Không giấu được niềm vui, chị Đặng Thị Nga (ảnh), công nhân Công ty TNHH Đức Bổn, bộc bạch: “Với công nhân nghèo xa quê, được đoàn tụ gia đình trong dịp tết nhờ tấm vé nghĩa tình thì còn gì vui bằng. Trước ngày lên xe về tết cả đêm tôi thao thức chẳng ngủ được…”. Người có ý tưởng khai sinh ra chương trình này là ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM. “Nhiều anh em xa quê cả 10 năm chưa một lần về tết cùng gia đình, khi có tấm vé trong tay họ đã bật khóc vì sung sướng. Họ làm chúng tôi phải trăn trở, suy nghĩ, mong muốn ngày càng nhiều công nhân có được tấm vé nghĩa tình để hưởng niềm vui đoàn tụ gia đình, con cái mỗi dịp tết đến xuân về”. ________________________________________ Kể từ ngày khởi động chương trình Trái tim nghĩa tình từ năm 2012 đến nay, Liên đoàn Lao động TP.HCM (LĐLĐ) đã giúp mổ tim cho 30 công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông Nguyễn Thành Hy, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật của LĐLĐ TP, cho biết: “Chi phí mổ tim cho công nhân nghèo có được từ sự chung sức của những tấm lòng hảo tâm trong cộng đồng, từ tinh thần tương thân tương ái của các công ty, doanh nghiệp sử dụng lao động cũng có trách nhiệm giúp đỡ người lao động. Có nhiều đơn vị không có công nhân nhưng vẫn đóng góp rất lớn cho chương trình này làm chúng tôi xúc động”. |