Trong đó, đáng chú ý là công thức tính lương hưu nữ thay đổi ngay trong năm 2018, dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỉ lệ lương hưu thấp hơn hẳn (giảm từ 2% đến 10%) so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. Điều này khiến nhiều người lao động bức xúc.
Để giải quyết việc này, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị với Chính phủ hai phương án.
Cách tính lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Ảnh: plo.vn
Phương án 1: Quốc hội cho phép chưa thực hiện khoản 2 Điều 56 và khoản 2 Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đối với lao động nữ đến sau năm 2022. Việc tính lương hưu đối với lao động nữ trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 vẫn theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Bộ LĐ-TB&XH khẳng định phương án 1 có ưu điểm là không tạo ra chênh lệch giữa mức lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu trước và sau thời điểm 1-1-2018, không gây bức xúc dư luận trong xã hội.
“Tuy nhiên, phương án 1 có hạn chế là chưa hoàn toàn phù hợp với mục tiêu khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Phương án này vẫn có thể tạo ra sốc chênh lệch lương hưu ở năm 2022 vì không có lộ trình như của nam giới…”, Bộ LĐ-TB&XH phân tích.
Phương án 2, Quốc hội cho phép lùi thời điểm áp dụng điểm b khoản 2 Điều 56, khoản 4 Điều 56 và điểm b khoản 2 Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2018 sang năm 2022. Trong giai đoạn từ 2018 đến năm 2021, thực hiện theo lộ trình, cụ thể như sau:
Từ ngày 1-1-2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ được tính như sau:
Lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau: Nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Lao động nữ được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp nghỉ hưu trong năm 2018, từ năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 16 đến năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 23, mỗi năm được tính thêm 3%; nghỉ hưu trong năm 2019, từ năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 16 đến năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 21, mỗi năm được tính thêm 3%; nghỉ hưu trong năm 2020, từ năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 16 đến năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 19, mỗi năm được tính thêm 3%; nghỉ hưu trong năm 2021, từ năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 16 đến năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 17, mỗi năm được tính thêm 3%; sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Từ ngày 1-1-2022 trở đi, mức lương hưu hàng tháng của lao động nữ được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Phương án 2 có ưu điểm là vừa bảo đảm sự đồng bộ về thời điểm và lộ trình điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và lao động nữ, đồng thời vẫn bảo đảm mục tiêu quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hướng tới lao động nữ cần đóng BHXH 30 năm để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.
“Phương án này cũng hài hòa công thức tính lương hưu của lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã nghỉ hưu mà có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội với những lao động nữ còn lại…”, Bộ LĐ-TB&XH phân tích.
Với đề xuất trên, 21 thành viên Chính phủ đã cho ý kiến. Trong đó, 12/21 thành viên chọn phương án hai; 9/21 thành viên chọn phương án 1.
Trên cơ sở ý kiến của đa số thành viên Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ dự thảo báo cáo của Chính phủ với ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử lý chênh lệch giữa mức lương hưu đối với người lao động nghỉ hưu trước và sau thời điểm trên.
Theo quy định, Luật BHXH năm 2014, từ 1-1-2018 để đạt tỉ lệ hưởng tối đa 75% thì lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 trở đi phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (hiện nay chỉ cần đủ 25 năm). Đối với lao động nam, nghỉ hưu năm 2018 phải đủ 31 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2019 phải đủ 32 năm, nghỉ năm 2020 phải đủ 33 năm, nghỉ năm 2021 phải đủ 34 năm và nghỉ từ năm 2022 trở đi phải đủ 35 năm đóng BHXH mới được hưởng tỷ lệ tối đa là 75% (hiện nay chỉ cần đủ 30 năm). Như vậy, việc điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam có lộ trình trong 5 năm, còn lao động nữ thì không có lộ trình. Theo BHXH Việt Nam năm 2018 có khoảng 49.700 lao động nữ nghỉ hưu đúng tuổi 55 (chưa tính số lao động nghỉ hưu trước tuổi) và cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 lao động nữ (chiếm 43%). Trong đó, có 3.000 người bị tác động 6%-10%, còn lại chịu tác động 2%-4%. Vì vậy, BHXH Việt Nam cho rằng đây là con số không lớn. |